Kết quả tích cực trong tiết kiệm năng lượng ở Hà Nội

Trong giai đoạn 2016-2020, thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thành phố Hà Nội đã tiết kiệm 1.124 kTOE.

Tiết kiệm 1.124 kTOE

Ban Chủ nhiệm chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả TP Hà Nội vừa ban hành kết quả thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020.

Trong giai đoạn này, các đơn vị liên quan của TP Hà Nội đã thực hiện tuyên truyền, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, có việc sản xuất những nội dung tuyên truyền và tổ chức Hội chợ triển lãm quốc tế nhằm phổ biến các trang thiết bị hiệu suất cao, TKNL, từng bước loại bỏ các trang thiết bị hiệu suất thấp.

Ngoài ra, trong Chiến dịch Giờ Trái đất, giai đoạn 2016-2020, với 1 giờ tắt đèn và các thiết bị không cần thiết hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất, hệ thống điện quốc gia tiết kiệm được 2.335.000 kWh, tương đương 4.059 triệu đồng.

Ảnh minh họa.

Song song với các hoạt động tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Hà Nội cũng khuyến khích người dân, các đơn vị sử dụng năng lượng xanh, lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. Theo thống kê, trong năm 2019, Hà Nội đã có 458 hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt 3,41MWp và sản lượng điện phát lên lưới điện là 468.493 kWh.

Trong các toà nhà và chiếu sáng công cộng, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc sử dụng đèn LED thay thế các loại đèn trước đây. Tiến hành thử nghiệm hệ thống chiếu sáng sử dụng năng lượng tái tạo, thúc đẩy việc thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả. Thực hiện giám sát việc áp dụng, tuân thủ quy chuẩn xây dựng cho các tòa nhà xây dựng mới, quy mô lớn…

Đối với các cơ sở, tòa nhà, thực hiện đánh giá, nâng cao hiệu quả năng lượng; xây dựng bộ công cụ đánh giá hiệu quả năng lượng, công cụ dự báo nhu cầu năng lượng và đánh giá tiết kiệm năng lượng cho các công trình xây dựng. Tiến hành kiểm toán năng lượng cho 72 cơ sở, tòa nhà; hỗ trợ 5 đơn vị xây dựng hệ thống quản lý năng lượng; mô phỏng năng lượng cho 14 cơ sở.

Tính chung, trong giai đoạn 2016-2020 theo căn cứ dữ liệu, hàng năm đánh giá mức tiết kiệm theo giá trị %/năm). Tổng mức năng lượng tiết kiệm giai đoạn 2016-2019 (ước thực hiện năm 2020) đạt là 1.124 kTOE.

Còn nhiều khó khăn

Theo một chuyên gia về tiết kiệm năng lượng, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 6569/QĐ-UBND về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố nhằm tăng cường việc triển khai thi hành luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hợp lý và hiệu quả; giảm mức tiêu thụ năng lượng, giảm chi phí năng lượng cho hoạt động của các phương tiện thiết bị sử dụng năng lượng mà vẫn đảm bảo nhu cầu năng lượng cần thiết; phấn đấu đạt hệ số đàn hồi năng lượng năm 2020 của thành phố Hà Nội đạt 0,95, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế thế hệ mới.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng có Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia số 09:2017/BXD về các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả. Tại các tòa nhà, công trình lớn trên địa bàn thành phố có hệ thống quản lý năng lượng khá bài bản, đặc biệt là các tòa nhà có thuê đơn vị quản lý bên ngoài. Hầu hết đáp ứng được nhu cầu về TKNL, thậm chí họ còn đề ra mục tiêu hằng năm tiết kiệm được bao nhiêu % năng lượng.

Nhiều tòa nhà ở Hà Nội đã sử dụng các loại thiết bị tiết kiệm điện - Ảnh: petrotimes.vn.

Tuy nhiên, việc khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đơn cử như chi phí đầu tư thiết bị, công nghệ để tiết kiệm năng lượng khá lớn. Với các doanh nghiệp nhỏ, vốn ít thì việc này không dễ thực hiện. Bên cạnh đó, với các tòa nhà đã được xây dựng, khi thực hiện chuyển sang hướng tiết kiệm năng lượng thì cần phải cải tạo về kiến trúc. Việc này rất phức tạp, khi cải tạo lại các doanh nghiệp cũng phải dừng kinh doanh, ảnh hưởng đến doanh thu.

Cũng theo chuyên gia này, để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các tòa nhà khi cải tạo hoặc xây mới phải có đánh giá về hiệu quả tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể để các địa phương thẩm tra, thẩm định, đánh giá tại địa phương mình. Bên cạnh đó, nguồn lực của các địa phương rất mỏng nên hiện nay chưa địa phương nào thực hiện thẩm định trước khi xây dựng.

Tại Hà Nội, có nhiều chính sách khuyến khích TKNL, như ban hành chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong đó có quy định các tòa nhà, công trình cần trang bị các thiết bị đảm bảo TKNL. Tuy nhiên, đây chỉ là khuyến khích, hướng dẫn. Thành phố cũng tạo phong trào TKNL trong các tòa nhà bằng cách công nhận công trình xanh cho các đơn vị khi họ đáp ứng được yêu cầu về TKNL tuy nhiên con số này còn khá khiêm tốn.

Tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện trong hộ gia đình

Hàng năm, vào thời gian cao điểm nắng nóng mùa hè, Thành phố tổ chức hội nghị “Cao điểm hè với tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng thành phố Hà Nội” với mục đích nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tiết kiệm trong trong các hộ gia đình. Đến nay, Hà Nội đã công nhận 3.900 hộ gia đình sử dụng tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng tiêu biểu.

Link gốc