Khẩn trương tìm cơ chế cho điện rác

Với 35.000 tấn rác thải sinh hoạt đô thị và 34.000 tấn rác thải sinh hoạt nông thôn mỗi ngày sẽ là tiềm năng lớn nếu tận dụng để phát điện. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên này vẫn còn lãng phí và ảnh hưởng lớn tới môi trường do thiếu cơ chế hỗ trợ.  

Tiềm năng và lợi ích lớn

Ông Phạm Nguyên Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 1 (PECC1) cho biết, theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, khoảng 85% lượng rác thải hiện nay tại Việt Nam đang được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp, đòi hỏi nhiều quỹ đất; trong đó 80% là bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường. Công tác vận chuyển còn gặp nhiều khó khăn, các bãi chôn lấp chất thải thường ở xa khu dân cư, làm tăng chi phí vận chuyển. Trong khi đó, mức phí vệ sinh môi trường thu từ các hộ gia đình mới giải quyết một phần hoạt động thu gom chất thải, không đủ để chi trả cũng như duy trì hoạt động vận chuyển.

Tận dụng nguồn rác thải để sản xuất điện

Hiện nay, trên thế giới, công nghệ đốt chất thải ngày càng được áp dụng rộng rãi do có một số ưu điểm nổi bật so với các công nghệ khác, như: Giảm được 90 - 95% thể tích và khối lượng chất thải; có thể tận dụng nhiệt; tiết kiệm diện tích, giảm phát thải khí nhà kính so với biện pháp chôn lấp; giảm thiểu ô nhiễm nước, mùi hôi...

Theo Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo được phê duyệt cuối năm 2015, tỷ lệ xử lý chất thải rắn đô thị cho mục tiêu năng lượng dự kiến tăng từ mức không đáng kể lên 30% trong năm 2020 (tương ứng với tỷ lệ 1,05% sản lượng điện năng của hệ thống); xấp xỉ 70% vào năm 2030 (tương ứng với tỷ lệ 1,1% sản lượng điện năng của hệ thống); phần lớn chất thải rắn sinh hoạt đô thị sẽ được sử dụng cho mục đích sản xuất năng lượng vào năm 2050.

Tháo gỡ vướng mắc

Để xây dựng nhà máy xử lý rác phát điện với công nghệ hiện đại đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp. Thế nhưng, hiện nay, doanh nghiệp còn gặp không ít rào cản về chính sách, dù vốn và công nghệ đã sẵn sàng.

Tại Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg ngày 5/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam có quy định hỗ trợ về giá mua điện, nhưng dự án xử lý chất thải phải theo quy hoạch ngành Điện. Điều này khiến nhiều dự án gặp khó khăn do chờ quy hoạch của ngành Điện. Liên quan đến giá mua điện cho các dự án điện rác tại quyết định này, Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ ra rằng, giá mua điện mới chỉ áp dụng đối với các dự án phát điện đốt chất thải rắn trực tiếp và phát điện đốt khí thu hồi từ bãi chôn lấp chất thải. Hiện tại, có nhiều công nghệ mới trong lĩnh vực điện rác như: Khí hóa phát điện, đốt phát điện, lên men tạo khí biogas phát điện…nhưng giá mua điện chưa được quy định rõ ràng, đầy đủ.

Trong khi đó, doanh nghiệp muốn đầu tư xử lý rác tại Việt Nam cũng gặp thủ tục đầu tư phức tạp, kéo dài. Việc đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hình thức đối tác công - tư (PPP), thủ tục đầu tư cần thiết lựa chọn nhà đầu tư mất từ 1 - 2 năm, sau đó là các thủ tục đầu tư xây dựng như thẩm định thiết kế, thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, báo cáo đánh giá tác động môi trường, các thủ tục hoàn thành công trình bảo vệ môi trường…

Việc chậm triển khai còn do vướng các quy định, thủ tục đầu tư cần sự phê duyệt của các bộ, ngành, trung ương (phê duyệt đánh giá tác động môi trường, quy hoạch phát triển nguồn điện...). Ngoài ra, do chưa có các hướng dẫn cụ thể thực hiện Luật Quy hoạch nên việc bổ sung dự án vào Quy hoạch phát triển điện lực bị kéo dài, đình trệ.

Để gỡ khó cho doanh nghiệp, các chuyên gia đề xuất, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, sửa đổi văn bản pháp luật, quy trình, thủ tục còn vướng mắc giữa quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng trong lĩnh vực quản lý chất thải sinh hoạt đô thị (pháp luật về PPP, quy định phát triển dự án điện rác, công tác quy hoạch…). Đồng thời, cụ thể hóa chính sách ưu đãi đầu tư; đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xử lý chất thải rắn. Các cấp có thẩm quyền cần tạo điều kiện và đồng hành cùng nhà đầu tư để phát huy hiệu quả của dự án.

Link gốc


  • 28/02/2020 09:58
  • Nguồn: http://kinhtevn.com.vn/
  • 1085