Khủng hoảng năng lượng ảnh hưởng việc xây dựng nhà ở Đức

Liên minh châu Âu, trong đó có nền kinh tế đầu tàu châu lục là Đức, đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng do giá năng lượng "phi mã".

Cuộc khủng hoảng này còn ảnh hưởng đến một loạt lĩnh vực khác, trong đó có nhà ở.

Dữ liệu do Văn phòng Thống kê Liên bang (Destatis) công bố ngày 18/10 cho thấy lượng giấy phép nhà ở cấp trong 8 tháng đầu năm 2022 tại nước này đã giảm hơn 3% so với cùng kỳ năm 2021, phản ánh những trở ngại mà lĩnh vực này đang gặp phải.

Người phát ngôn của Hiệp hội các công ty bất động sản và nhà ở Đức (GdW) cho biết thị trường nhà ở và xây dựng vốn đã gặp khó từ đầu năm và tình hình ngày một u ám hơn do ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Dữ liệu của Destatis cho thấy chỉ có 244.000 giấy phép xây dựng được cấp ở Đức trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8, trong khi mục tiêu xây dựng nhà ở hằng năm của chính phủ là 400.000, trong đó có 100.000 nhà ở xã hội.

Lý giải về thực trạng này, người phát ngôn của GdW nhấn mạnh giá cả leo thang đang làm trầm trọng hơn các vấn đề về chuỗi cung ứng vốn chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, cũng như tình trạng thiếu lao động lành nghề và nguyên vật liệu.

Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế ifo, nền kinh tế đầu tàu của châu Âu đang đứng trước nguy cơ hàng loạt dự án nhà ở của người dân bị hủy bỏ, hơn 16% số công ty xây dựng hàng đầu đã ghi nhận các tác động nghiêm trọng hồi tháng 9.

Detastis thông báo lạm phát hằng năm ở Đức trong tháng 9 đã tăng lên mức kỷ lục 10% do ảnh hưởng của giá năng lượng tăng vọt. Cụ thể, giá khí đốt tự nhiên cao hơn 95% so với năm ngoái và giá dầu sưởi tăng hơn 50%.

Chuyên gia ifo Felix Leiss nhận định trong bối cảnh giá nguyên liệu và năng lượng tăng chóng mặt, buộc ngân hàng trung ương tăng lãi suất để ứng phó, các dự án quy hoạch nhiều khả năng bị ảnh hưởng trong khi chi phí xây dựng tiếp tục tăng.

Bất chấp hàng loạt thách thức đối với lĩnh vực này, Chính phủ Đức vẫn muốn bám sát các mục tiêu đã đề ra về xây dựng nhà ở. Tuần trước, trong cuộc họp thảo luận về chủ đề nhà ở với chi phí phải chăng, Thủ tướng Olaf Scholz đã khẳng định đây là "điều đúng đắn cần thực hiện".

Để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ Đức đã công bố một loạt biện pháp tạo điều kiện cho công tác xây dựng nhà ở, đồng thời tăng cường hỗ trợ quyền sở hữu nhà cho các gia đình trẻ. Nguồn vốn nhà nước dành cho nhà ở xã hội đã tăng lên mức kỷ lục 14,5 tỷ euro (14,3 tỷ USD) vào năm 2026.

Tuy nhiên, người phát ngôn của GdW cho rằng các biện pháp được áp dụng chỉ có ý nghĩa trong trung hạn đối với việc thúc đẩy xây dựng nhà ở giá rẻ ở Đức, song chưa đủ để giúp nước này đạt mục tiêu xây dựng 400.000 nhà ở/năm. Hiện nay, khoảng 847.000 công trình xây dựng nhà ở tại Đức bị đình trệ.

Link gốc


  • 27/10/2022 10:12
  • Nguồn: https://bnews.vn/
  • 2092