Lò sản xuất thủy tinh không chì tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường

Thủy tinh không chì là loại vật liệu có đặc tính ưu việt, không độc hại với người sử dụng, hiệu suất phát quang cao, không gây ô nhiễm môi trường và có khả năng tái chế, thu hồi. Khi được đưa vào sản xuất, thủy tinh không chì có thể thay thế nguyên liệu nhập khẩu với chi phí lên tới hàng triệu USD mỗi năm.

Công nghệ sản xuất thủy tinh an toàn

Bắt đầu thực nghiệm sản xuất vào năm 2008 tại Quế Võ (Bắc Ninh), đến nay lò thủy tinh không chì của Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông có công suất 19 tấn/ ngày, đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu sản xuất bóng đèn compact chất lượng cao, thay thế các loại thủy tinh chì độc hại.

Trong thành phần loại thủy tinh mới này hoàn toàn không có chì và phản ứng thủy ngân với kiềm gây đen trong quá trình làm việc bị hạn chế. Do đó, hiệu suất phát quang được cải thiện so với bóng đèn sản xuất bằng thủy tinh thường. Ngoài ra, loại thủy tinh không chì có chứa các nguyên tố đất hiếm như Cerium có tác dụng ngăn chặn các tia tử ngoại, giúp an toàn cho người sử dụng. Ngoài việc phục vụ nhu cầu sản xuất, thủy tinh không chì còn đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và có thể xuất khẩu.

Ông Mai Hữu Đại - phó giám đốc phân xưởng thủy tinh – Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cho biết: "Thủy tinh không chì là loại vật liệu sử dụng cho các sản phẩm đèn compact, làm loa trụ cho các nguồn sáng. Thủy tinh không chì có sử dụng các nguyên tố hiếm và rất an toàn cho người sử dụng. Sản xuất loại vật liệu này đã thay thế được việc sử dụng thủy tinh có chì trong sản xuất đèn chiếu sáng và đã giảm thiểu được chi phí về nhập khẩu thủy tinh hàng triệu USD mỗi năm".

Với lò thủy tinh không chì đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng châu Âu, loại thủy tinh mới mang ý nghĩa rất lớn về kinh tế, môi trường. Công nghệ sản xuất đèn chiếu sáng của việt nam đã đạt bước tiến nhất định với các sản phẩm thủy tinh có chất lượng và kí kết được các hợp đồng sản xuất đèn compact với đối tác nước ngoài. 

Tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường

Ngoài việc áp dụng công nghệ mới để sản xuất thủy tinh không độc hại thì vấn đề giảm chi phí nguyên liệu và nâng cao hiệu quả sản xuất cũng được Rạng Đông đẩy mạnh phát triển. Thời gian trước đây, lò thủy tinh được vận hành bằng dầu FO và tiêu thụ 250 kg dầu/1 tấn sản phẩm, chi phí nhiên liệu phục vụ sản xuất khi đó là rất lớn.

Lò thủy tinh Soda - Lime sử dụng điện trợ nấu tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính - Ảnh: Rạng Đông

Năm 2007, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đầu tư xây dựng lò thủy tinh Soda – lime với công nghệ Nhật Bản. Công nghệ này cho phép việc sản xuất thủy tinh hoàn toàn tự động, được kiểm soát lượng nhiên liệu dầu, gió và các tiêu chí áp suất, nhiệt độ giúp nâng cao chất lượng thủy tinh.

Năm 2011, Rạng Đông trở thành đơn vị đầu tiên đưa hệ thống điện trở nấu vào lò thủy tinh tại Việt Nam. Sử dụng công nghệ này, hiệu suất hấp thụ nhiệt được đẩy lên tới 90% so với 25% nếu đốt bằng dầu, hiệu quả khai thác lò tăng thêm 30%. Từ thành công đó, các kỹ sư của Rạng Đông đã nghiên cứu và nâng cấp công công suất của lò nấu thủy tinh lên 36 tấn/ngày, được chuyển thành sản phẩm nhờ 3 dây kéo ống và 2 máy thổi bóng.

Hiện tại, sau nhiều lần nâng cấp, công nghệ sử dụng điện trợ nấu thủy tinh đã giảm lượng tiêu thụ dầu FO từ 250 xuống còn 145 kg/1 tấn thủy tinh. Chi phí nhiên liệu giảm, chất lượng thủy tinh được nâng lên rõ rệt, số lượng sản phẩm lỗi ít hơn khiến giá thành của sản phẩm bóng đèn huỳnh quang, compact cũng trở nên cạnh tranh hơn. Ngoài ra, sử dụng điện trợ nấu giúp giảm phát thải khí nhà kính 2.500 tấn CO2 ra môi trường mỗi năm. Công trình này của Rạng Đông đã được vinh dự tham gia Cơ chế Phát triển sạch (CDM) của Nghị định thư  KYOTO về giảm phát thải khí nhà kính. 

 * Thủy tinh không chì đáp ứng tiêu chuẩn Châu Âu RoHs (Restriction of Certain Hazardous Substances ) về an toàn, bảo vệ môi trường và hạn chế các chất nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

 * Công nghệ đưa điện vào trợ nấu thủy tinh giúp phần tăng tuổi thọ của bóng đèn huỳnh quang, compact lên 10.000 – 12.000h, bằng với tuổi thọ bóng đèn được sản xuất tại các nước tiên tiến trên thế giới.

 * Sử dụng điện trợ nấu thủy tinh sẽ giảm chi phí nhiên liệu từ 25-30% tương đương tiết kiệm 7-8 tỷ đồng tiền nhiên liệu mỗi năm. 

 


  • 21/05/2013 11:27
  • Điêu Dũng
  • 4950