Gia tăng số hộ lắp đặt
Nhờ sự hỗ trợ của Điện lực Sơn Hòa (Công ty Điện lực Phú Yên), tận dụng không gian tầng áp mái, anh Lại Quý Hòa - thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa đã đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái gồm 16 tấm pin năng lượng mặt trời có công suất 5 kWp phục vụ cho sinh hoạt và cửa hàng điện máy của gia đình.
Theo anh Lại Quý Hòa, bình quân mỗi ngày, hệ thống pin năng lượng mặt trời sản xuất được 32 kWh điện. Trong khi gia đình chỉ sử dụng khoảng 20 kWh điện mỗi ngày, lượng điện dư thừa được đăng ký bán lại cho ngành Điện. “Sau hai tháng lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, tiền điện của gia đình tôi đã giảm một nửa so với trước kia”, anh Lại Quý Hòa cho biết.
Hệ thống pin năng lượng mặt trời của Doanh nghiệp tư nhân Xăng dầu Hà Mai được lắp đặt phía trên ăhồ bơi của doanh nghiệp - Ảnh: Hồng Hoa. |
Sau khi nghiên cứu khảo sát các mô hình điện mặt trời áp mái, ông Trần Văn Hà – Chủ DNTN Xăng dầu Hà Mai, huyện Sơn Hòa đã đầu tư lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời thay thế mái che của hai hồ bơi để phục vụ việc sản xuất kinh doanh. Hệ thống này với 50 tấm pin năng lượng mặt trời, công suất 19 kWp, diện tích che phủ khoảng 100 m² có tổng kinh phí đầu tư hơn 500 triệu đồng. Bình quân mỗi ngày, hệ thống này sản xuất được hơn 130 kWh điện, trong khi gia đình ông Hà chỉ sử dụng 100 kWh điện.
Theo các hộ gia đình, mặc dù mức đầu tư ban đầu khá cao, nhưng với sản lượng điện tiết kiệm được hàng tháng, khoảng từ 2-3 năm, họ có thể thu hồi vốn đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Tám – Phường 3, TP. Tuy Hòa cho biết, với công suất mỗi tấm pin 250 Wp, bình quân mỗi tháng, hệ thống điện mặt trời áp mái này có thể sản xuất 500 kWh điện, giúp ông tiết kiệm được hơn một nửa lượng điện tiêu thụ hàng tháng. Ông xem đây như ứng trước tiền điện trong vòng 3 năm. Sau thời gian này, ông sẽ sử dụng điện mà không phải tốn tiền.
Cần sớm có cơ chế khuyến khích người dân
Theo quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/4/2017, các dự án điện mặt trời lắp mái nối lưới điện quốc gia được thực hiện theo cơ chế bù trừ điện năng, sử dụng công tơ hai chiều. Trong một chu kỳ thanh toán, lượng điện phát ra từ các dự án này lớn hơn lượng điện tiêu thụ sẽ được chuyển sang chu kỳ thanh toán kế tiếp. Kết thúc năm hoặc khi kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện với giá bán điện theo quy định.
Để hỗ trợ khách hàng, thời gian qua, Công ty Điện lực Phú Yên (PC Phú Yên) đã chủ động hỗ trợ kỹ thuật, lắp đặt công tơ hai chiều cho khách hàng để giao nhận lượng điện dôi dư. Tuy nhiên, hiện ngành Điện vẫn chưa thể ký hợp đồng mua bán điện mặt trời với các khách hàng vì chưa có hướng dẫn chính thức về cách thức tính toán bù trừ điện năng tiêu thụ.
Giám đốc PC Phú Yên – Thái Minh Châu chia sẻ, trong điều kiện nguồn nguyên liệu truyền thống đang ngày càng cạn kiệt thì việc khuyến khích người dân phát triển điện mặt trời đang là giải pháp thiết thực, góp phần giảm tải đầu tư nguồn điện. Với những triển vọng như hiện nay, khi các vướng mắc được tháo gỡ, hệ thống năng lượng sạch này có thể không dừng lại ở một vài hộ gia đình mà sẽ được nhân rộng ngày càng phổ biến hơn.
Theo Giám đốc PC Phú Yên, hiện nay, đơn vị sản xuất tấm pin mặt trời và chuyển giao công nghệ của Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã có những nghiên cứu và đang lắp đặt thí điểm, triển khai lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái ở một số các hộ gia đình và đã đem lại kết quả rất khả quan. Tuy nhiên, việc triển khai lắp đặt có tính chất đại trà xã hội hóa, đòi hỏi phải có các nguồn vốn và có sự hỗ trợ của công tác xã hội hóa để tạo hiệu ứng sâu rộng hơn.