Tiết kiệm điện và chất đốt đáng kể
Anh Ngô Xuân Túc, Tổ trưởng Xây dựng công trình hầm biogas, xã Diễn Quang, huyện Diễn Châu (Nghệ An) cho biết, từ năm 2005, khi tỉnh và huyện triển khai dự án khí sinh học phục vụ phát triển chăn nuôi, Diễn Quang là một trong những xã hưởng ứng kịp thời. Tùy điều kiện chăn nuôi nhiều, ít mà các hộ gia đình xây hầm biogas theo các kích cỡ khác nhau, lúc cao điểm toàn huyện Diễn Châu có khoảng 1.300 hầm bi-ô-ga thì xã Diễn Quang chiếm 50% số hầm...
Anh Phan Xuân Tá ở xóm 2, xã Diễn Quang cho biết, gia đình xây hầm bi-ô-ga cách đây 5 năm, thể tích của hầm là 7,5m3, bằng nguồn tiền của gia đình và nguồn tiền hỗ trợ của dự án. Với kích cỡ hầm như thế này, ngoài việc phục vụ chăn nuôi 10 - 15 đầu lợn, gia đình anh Phan Xuân Tá còn sử dụng nguồn khí đun nấu và thắp sáng hằng ngày, mỗi tháng cũng tiết kiệm được khoảng 300.000 đồng. Ngoài ra, tận dụng bã thải từ hầm biogas, anh làm phân bón (hạn chế dùng phân hóa học) cho 1,4 ha diện tích gieo trồng quanh năm...
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, trong những năm gần đây phong trào phát triển hầm biogas được các hộ dân hưởng ứng khá rầm rộ. Theo kỹ sư Chu Khắc Hải, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc, đến cuối năm 2012, toàn tỉnh đã có khoảng 15.000 hầm biogas.
Ông Nguyễn Xuân Nga, thôn Nghinh Tiên, xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc - Vĩnh Phúc cho biết, gia đình đã đầu tư 15 triệu đồng (trong đó Nhà nước hỗ trợ 1,5 triệu đồng) để xây dựng hầm biogas bằng vật liệu composite. Từ khi có hầm biogas, việc đun nấu của gia đình dùng hoàn toàn bằng nguồn khí gas này, thậm chí còn thắp sáng cho việc sinh hoạt của gia đình.
Ông Nga cho biết thêm, hiện gia đình đang có dự định mở rộng kích cỡ của hầm biogas vì hầm lâu nay đang sử dụng còn nhỏ so với quy mô trang trại chăn nuôi.
|
Một hầm bi-ô-gas đang trong quá trình xây dựng. |
Theo TS Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Dự án khí sinh học phục vụ ngành chăn nuôi Việt Nam được triển khai từ năm 2003, trên cơ sở phối hợp giữa Cục Chăn nuôi và Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV). Mục tiêu của dự án là thông qua việc xử lý chất thải chăn nuôi góp phần cung cấp nguồn năng lượng sạch và rẻ tiền cho bà con ở nông thôn; tạo công ăn việc làm cho người lao động, hạn chế ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng; giảm nạn phá rừng cũng như giảm phát thải khí nhà kính.
Cần sự phối hợp của nhiều ngành
Tuy nhiên, để phong trào làm hầm biogas phát triển bền vững, phục vụ thiết thực cho cuộc sống người dân ở địa bàn nông thôn, vẫn còn không ít những vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ và giải quyết. Thực tế cho thấy, tại một số địa phương hiện có nhiều dự án hỗ trợ việc xây dựng và lắp đặt hầm biogas của các đơn vị khác nhau. Điều đó đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Nông nghiệp & phát triển nông thôn với ngành Tài nguyên & Môi trường hay ngành Khoa học & Công nghệ với các cấp chính quyền để rà soát, đối chiếu và lựa chọn đúng hộ gia đình có đủ tiêu chí để hỗ trợ, tránh sự chồng chéo trong quá trình triển khai.
Lâu nay, các tỉnh thực hiện dự án khí sinh học phục vụ ngành chăn nuôi (thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) xây dựng hầm biogas theo mẫu công nghệ đã được ban hành với đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật. Song cũng có nơi, trên cùng một địa bàn người dân có thể làm hầm biogas bằng vật liệu composite (nhập từ Trung Quốc), dùng túi sinh khí bằng ni-lông, hầm biogas vacvina cải tiến...
Sự đa dạng, phong phú về chủng loại là điều dễ hiểu nhưng quan trọng là mẫu hầm có bảo đảm các quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật không? Bởi không ít nơi hầm biogas hoạt động thiếu liên tục (khi đầy chất thải phải dừng lại để nạo vét, hoặc vận hành một thời gian ngắn phải phá váng), có loại hầm giá thành xây dựng cao nhưng vận hành phức tạp và cho lượng khí thấp. Nhất là tiêu chuẩn kỹ thuật của vật liệu composite sử dụng cho bể khí sinh học ở nước ta lâu nay không hề có một tổ chức nào giám sát, cho nên khi xây dựng công trình khí sinh học cần phối hợp nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật trong việc tư vấn, hướng dẫn nhằm bảo đảm cho hầm biogas có giá thành hợp với túi tiền của người dân nghèo; vận hành thuận tiện, hoạt động liên tục, cho năng suất khí cao và chất lượng khí ổn định...
Ngoài ra, công tác tư vấn cho hộ gia đình xây dựng công trình khí sinh học của các đơn vị có liên quan cần đầy đủ, công tâm cũng như việc kiểm tra, giám sát kỹ thuật trong quá trình xây dựng hầm biogas cần được làm một cách nghiêm túc. Các địa phương tham gia Dự án khí sinh học phục vụ ngành chăn nuôi Việt Nam, ngoài nguồn hỗ trợ của dự án, khoản vốn đối ứng hằng năm cần được phân bổ kịp thời về huyện, xã và hộ dân như đã cam kết nhằm duy trì và phát triển mô hình công nghệ khí sinh học nhiều tiện ích; tránh tình trạng chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng, phục vụ thiết thực cuộc sống người dân ở nông thôn.