Thị trường còn lộn xộn
Tại các siêu thị lớn như Pico, Trần Anh, MediaMart… việc thực hiện dán nhãn tiết kiệm năng lượng được thực hiện khá triệt để. Ngoài thông tin sản phẩm, nhà sản xuất, tem chống hàng giả… các nhãn tiết kiệm năng lượng cũng được dán tại những vị trí người tiêu dùng dễ quan sát nhất.
Nhưng ngược lại, tại các của hàng kinh doanh quy mô nhỏ, việc dán nhãn tiết kiệm năng lượng hầu như chưa được thực hiện, nếu có cũng chỉ xuất hiện ở một vài sản phẩm. Đáng chú ý, dù là bắt buộc nhưng cả người bán và người mua đều không tỏ ra quan tâm đến quy định này. Thậm chí, một số chủ cửa hàng bán đồ điện còn không nắm rõ sản phẩm nào thuộc danh mục dán nhãn tiết kiệm năng lượng.
Anh Nguyễn Hà (chủ cửa hàng điện dân dụng trên phố Khương Trung, Thanh Xuân) cho biết: “Dán nhãn tiết kiệm năng lượng là do nhà sản xuất, chúng tôi kinh doanh thì chỉ biết hết hàng thì đi nhập về bán. Cũng không có nhiều người mua hỏi đến nhãn này nên tôi cũng không để ý”.
|
Tại các siêu thị lớn như Pico, Trần Anh, MediaMart… việc thực hiện dán nhãn tiết kiệm năng lượng được thực hiện khá triệt để - Ảnh: Ngọc Tuấn |
Theo quan sát của phóng viên, trong phân khúc thị trường đồ điện bình dân, có một số lượng lớn các mặt hàng xuất xứ từ Thái Lan, Trung Quốc, không có thông tin sản phẩm, tem bảo hành, thường là hàng nhập lậu, trốn thuế. Vì lý do này nên sản phẩm không thể có nhãn dán tiết kiệm năng lượng, khiến thị trường thêm lộn xộn.
Sản xuất tích cực, tiêu dùng thờ ơ
Ngay từ khi quyết định 03/2013/QĐ-TTg về thực hiện dán nhãn tiết kiệm năng lượng có hiệu lực, các nhà sản xuất thiết bị điện tại Việt Nam đã nhanh chóng tiến hành công tác kiểm định, xin cấp phép thực hiện. Thậm chí, trước thời hạn quy định, một số nhà sản xuất: Philips Việt Nam, Rạng Đông, Điện Quang… đã hoàn thành việc dán nhãn tiết kiệm năng lượng.
Bà Phạm Việt Hòa (Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông) cho biết: Công ty đã hoàn thành việc dán nhãn tiết kiệm năng lượng cho toàn bộ các sản phẩm bóng đèn theo danh mục quy định. Đến thời điểm hiện tại, các lô hàng có mặt trên thị trường đều đảm bảo 100% thực hiện đúng theo yêu cầu này.
Tương tự, ngay từ đầu năm 2013, nhà sản xuất LG Việt Nam cũng đã đưa ra thông báo hoàn thành dán nhãn tiết kiệm năng lượng đúng thời hạn cho các sản phẩm điều hòa nhiệt độ của LG…
Tuy nhiên, trái ngược với sự tích cực của các nhà sản xuất, đa số người tiêu dùng vẫn tỏ ra không mấy quan tâm đến vai trò của nhãn tiết kiệm năng lượng. Khảo sát tại một số tuyến phố bán đồ điện dân dụng: Nguyễn Trãi, Tây Sơn, Tràng Thi (Hà Nội)…, được biết yếu tố thu hút người mua hàng chủ yếu vẫn dựa trên mức giá và chất lượng sản phẩm cùng chế độ bảo hành.
Theo anh Hữu Tuấn (Thanh Xuân, Hà Nội): “Sản phẩm tiết kiệm năng lượng là rất tốt nhưng ngoài tiêu chí đó tôi còn quan tâm đến độ bền và nó phải phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình. Một sản phẩm tiết kiệm năng lượng nhưng độ bền không cao thì cũng không có tác dụng gì”.
Thực tế, quan điểm của anh Tuấn bắt nguồn từ việc chưa hiểu rõ những tiêu chí về chất lượng, thông số kĩ thuật và tuổi thọ sản phẩm được dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Đây cũng là tình trạng chung ở đa số người tiêu dùng bình dân hiện nay.
Có thể thấy, chính do sự phức tạp của thị trường, việc thực hiện quy định không đồng nhất, sản phẩm không rõ xuất xứ được lưu hành… đã khiến người tiêu dùng thời ơ với sản phẩm “tiết kiệm năng lượng”. Nếu không sớm khắc phục những hạn chế này, chủ trương dán nhãn tiết kiệm năng lượng có thể sẽ không thu được hiệu quả như kỳ vọng.
Các thiết bị điện phải dán nhãn năng lượng từ ngày 1/7/2013
Đối với các thiết bị gia dụng:
Đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compact, chấn lưu điện từ và điện tử cho đèn huỳnh quang, máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt lồng đứng sử dụng trong gia đình, nồi cơm điện, quạt điện.
Đối với nhóm thiết bị công nghiệp:
Máy biến áp phân phối ba pha, động cơ điện.
|