Sản xuất LED nội địa: Hấp dẫn nhưng đầy thách thức

Đèn LED đang trở thành xu hướng sử dụng trong chiếu sáng tại Việt Nam từ những nơi công cộng cho đến các hộ gia đình. Đèn LED ưu việt hơn so với các loại bóng đèn truyền thống nhưng giá thành cao cộng với vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng khiến người tiêu dùng hoang mang trong việc “chọn mặt gửi vàng”.

LED Việt – công nghệ Nhật

Năm 2014, giải Nobel Vật lý đã được trao cho 3 nhà khoa học Isamu Akasaki, Hiroshi Amano và Shuji Nakamura (Nhật Bản) vì công trình phát minh ra điốt phát quang (LED) màu xanh da trời, cho phép tạo ra các nguồn chiếu sáng tiết kiệm năng lượng và bền hơn các nguồn truyền thống.

Theo Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, 3 nhà khoa học trên đã tạo ra bước ngoặt trong công nghệ chiếu sáng khi tạo ra được các chùm ánh sáng xanh da trời từ chất bán dẫn vào đầu thập niên 1990.

Công nghệ LED của Nhật Bản thì không phải bàn cãi về chất lượng, tính ưu việt nhưng ứng dụng nó vào sản xuất tại Việt Nam thì vẫn chưa phổ biến. Hiện trong nước chỉ có Điện Quang là đã đầu tư dây chuyền dán chip LED thứ 5 của Nhật Bản (trị giá trên 30 tỷ đồng) và đạt công suất 30 triệu sản phẩm/năm.

Dây chuyền mà Điện Quang chính thức vận hành trong tháng 10 vừa qua là công nghệ dán chip LED hiện đại nhất hiện nay của Panasonic - Ảnh: Nguồn Internet. 

Được biết, dây chuyền mà Điện Quang chính thức vận hành trong tháng 10 vừa qua là công nghệ dán chip LED hiện đại nhất hiện nay của Panasonic với tốc độ nhanh và tính chính xác cao, có thể thao tác dán bề mặt trên nhiều loại sản phẩm khác nhau như LED bulb, LED mica, LED tuýp... Với 16 miệng hút trên 2 cánh tay robot đối xứng hoạt động hoàn toàn tự động để gắp và dán chip LED liên tục, đã nâng khả năng dán chíp đạt tốc độ dán 77.000 chip/giờ. Đặc biệt đây là dây chuyền có thể dán chip LED trên tấm PCB 1.2m, nhờ vậy đèn LED sẽ tốt hơn vì chip LED không bị điểm mù ở giữa khoảng nối.

Việc liên tiếp đầu tư các dây chuyền dán chip LED theo công nghệ Nhật Bản, sử dụng chip LED được nhập từ Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, thị phần đèn LED của Điện Quang đang tiếp tục tăng. Không muốn dừng ở cương vị một “ông lớn trên thị trường LED nội địa”, việc Điện Quang nâng cao công suất sản xuất còn hướng đến việc mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường khó tính như Châu Âu và Mỹ.

Theo ông Hồ Quỳnh Hưng, Điện Quang sẽ nâng công suất lên 70 triệu sản phẩm/năm vào năm 2017 - khi nhà máy sản xuất của Điện Quang tại Khu Công nghệ cao TPHCM trị giá gần 600 tỷ đồng đi vào hoạt động.

“Chúng tôi kỳ vọng nâng cao công nghệ để tăng năng suất và giảm giá thành, hướng đến mục tiêu mang sản phẩm LED chất lượng tiêu chuẩn quốc tế nhưng có giá thành hợp lý phục vụ người tiêu dùng Việt Nam”, đại diện Điện Quang chia sẻ thêm.

Cạnh tranh từ nhiều phía

Trong thời kỳ hội nhập, với các chính sách ưu đãi của Nhà nước cùng tiềm lực kinh tế mạnh, sản phẩm LED của các thương hiệu nổi tiếng, có bề dày truyền thống trên thế giới có nhiều ưu thế hơn doanh nghiệp nội. Nhưng các doanh nghiệp chấp nhận bỏ ra khoản kinh phí lớn để đầu tư, không chỉ tập trung vào công nghệ mà còn cả các chính sách hậu mãi, dịch vụ chăm sóc khách hàng như Điện Quang lại không quá lo ngại những thương hiệu ngoại đó.

Nỗi lo lớn nhất của Điện Quang lại đến từ hàng nhái, hàng trôi nổi, hàng Trung Quốc đang tràn ngập thị trường. Người tiêu dùng thường chỉ chú ý về giá rẻ mà bỏ qua vấn đề về chất lượng. Trong khi đó, hệ thống phân phối, cửa hàng… vì lợi nhuận cũng không quan tâm tư vấn cho người dùng cách chọn hàng chất lượng, thậm chí còn khuyên dùng hàng giá rẻ cho vừa túi tiền. Không những thế, các doanh nghiệp nội lại còn cạnh tranh bằng các chiêu trò không lành mạnh. “Câu hỏi liên kết các doanh nghiệp Việt, bao giờ có?” được đặt ra tại một diễn đàn gần đây cũng phần nào cho thấy thực trạng đáng buồn này.

Kiên trì với định hướng phát triển LED Việt đạt tiêu chuẩn quốc tế, Điện Quang đang tiến từng bước vững chắc để Việt Nam có một thương hiệu chiếu sáng đẳng cấp toàn cầu.

Ông Hồ Quỳnh Hưng cho biết, Điện Quang đang đẩy nhanh tiến trình hội nhập, nhằm tận dụng tối đa các lợi thế của việc Việt Nam đã và sắp hoàn tất các thủ tục gia nhập các hiệp định: đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Thương mại tự do VN – EU (EVFTA). Với thách thức lớn, nhưng cơ hội mở ra cũng không nhỏ, Tổng Giám đốc Điện Quang Hồ Quỳnh Hưng khẳng định slogan “Ở đâu có điện, ở đó có Điện Quang” sẽ không còn được hiểu là chỉ ở Việt Nam.


  • 17/10/2016 10:07
  • Theo: Tri thức trẻ
  • 4078