Tận dụng nhiệt thải để sản xuất điện năng

Do đặc tính thải ra rất nhiều nhiệt sau quá trình luyện, một số nhà máy luyện thép, xi măng đã đầu tư công nghệ nhằm tận dụng lượng nhiệt thừa này để phát điện - vừa mang tính kinh tế, vừa giảm lượng khí thải ra môi trường.

Khu liên hợp gang thép Hòa Phát của Tập đoàn Hòa Phát tại Kinh Môn, Hải Dương là một tổ hợp khép kín từ luyện than cốc, sản xuất điện đến luyện thép và chế biến thép. Do khâu luyện than cốc thải ra rất nhiều nhiệt năng, lên đến 1.200 độ C nên để tận dụng tốt nhất lượng nhiệt này, Tập đoàn Hòa Phát đã đầu tư thêm 270 tỉ đồng để xây dựng nhà máy nhiệt điện nhằm thu nguồn nhiệt dư chạy máy phát điện.

Theo nguyên tắc của nhà máy nhiệt điện, nhiệt thải được thu hồi theo đường ống riêng, sau đó dẫn về nồi hơi, rồi dẫn ra tuabin để chạy máy phát điện. Với 2 tổ máy có tổng công suất thiết kế 37 MW, lượng điện sản xuất ra từ nhà máy nhiệt điện này có khả năng đáp ứng 100% nhu cầu điện tiêu thụ của nhà máy sản xuất than cốc và khoảng 40% nhu cầu điện sản xuất của toàn khu liên hợp.

Đặc biệt, để bảo vệ môi trường, khí thải sau khi được thu hồi nhiệt được lọc qua hệ thống lọc bụi và khử lưu huỳnh rồi mới xả ra ngoài không khí. Do đó, lượng khí thải đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn, không gây hại đến môi trường.

Phòng điều khiển trạm phát điện tận dụng nhiệt thải tại nhà máy xi măng Holcim

Công ty Xi măng Holcim Việt Nam cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ nhiệt thải để phát điện. Cuối năm 2012, Holcim Việt Nam đã khánh thành trạm phát điện tận dụng năng lượng nhiệt thải, công suất 6,3 MW tại Nhà máy Xi măng Hòn Chông, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.

Với tổng đầu tư 18 triệu USD, trạm có khả năng đáp ứng 25% nhu cầu điện năng cho toàn bộ Nhà máy Hòn Chông, tương đương với nhu cầu điện cho 1.830 hộ gia đình trong 1 năm (giả sử nhu cầu tiêu thụ là 6,6 kWh/hộ/ngày).

Về mặt môi trường, hoạt động của trạm giúp hạn chế tác động đến môi trường nhờ giảm phát thải khoảng 25.300 tấn CO2/năm hoặc tiêu thụ 9.000 tấn than/năm hoặc 6.450 tấn dầu hóa thạch/năm để sản xuất lượng điện năng tương đương.

Ông Gary Schutz - Tổng GĐ Holcim Việt Nam chia sẻ: “Hệ thống tái sử dụng nhiệt thải này sẽ giúp Holcim toàn cầu đạt được mục tiêu giảm 25% khí thải CO2 từ nay đến hết năm 2015 mà Tập đoàn tình nguyện cam kết. Đây cũng là giải pháp thiết thực hướng tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”.

Nhìn chung các nhà máy xi măng đều có tiềm năng lớn trong việc ứng dụng công nghệ tận thu nhiệt thải để phát điện. Được biết, hiện nhiều đơn vị trong hệ thống của Tổng công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) đang triển khai các dự án tận dụng nhiệt thải để phát điện như Công ty xi măng Hà Tiên 1, Hà Tiên 2… Với rất nhiều lợi ích như giảm áp lực điện năng cho lưới điện quốc gia, tự cung cấp năng lượng cho nhà máy, giảm lượng khí thải ra môi trường.

Vicem đang yêu cầu từ năm 2015, các nhà máy xi măng công suất 1 triệu tấn/năm trở lên đều bắt buộc áp dụng công nghệ thu hồi nhiệt lượng dư thừa trong sản xuất xi măng. Mang lại nhiều hiệu quả về kinh tế và môi trường, tuy nhiên giải pháp tận dụng công nghệ nhiệt thải để phát điện hiện cũng gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn đầu tư tương đối lớn.

Để thực hiện dự án của mình, Tập đoàn Hòa Phát đã được tiếp cận với nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật. Với các doanh nghiệp khác, để giải quyết bài toán vốn đầu tư cho các dự án sử dụng nhiệt thải để phát điện, doanh nghiệp có thể tiếp cận với hình thức đầu tư với các công ty Dịch vụ năng lượng (ESCO). Theo đó, ESCO bỏ vốn đầu tư công nghệ cho doanh nghiệp và thu lời bằng cách chia sẻ khoản tiền từ nguồn năng lượng tiết kiệm được sau đầu tư, một trong những hình thức kinh doanh tiết kiệm năng lượng đang rất phổ biến hiện nay.


  • 21/04/2014 09:52
  • Theo: báo Kinh tế Việt Nam
  • 4299