Tăng cường tiết kiệm thời khó khăn

Trong hoàn cảnh làm ăn kiếm đồng lời không dễ như hiện nay, nhiều doanh nghiệp buộc phải tự xoay xở, một mặt tái sử dụng những thứ mà trước đây thải bỏ, mặt khác, tăng cường tiết kiệm năng lượng.

Giảm chi phí điện nước, nhiên liệu

Thay vì nước thải sau xử lý được thải ra sông Đồng Nai, từ năm 2011, Nhà máy Ắc quy Đồng Nai 2 thuộc Công ty CP Pin Ắc quy miền Nam (Pinaco) đã lắp đặt hệ thống tái sử dụng nước thải theo quy trình hoàn lưu khép kín để bơm ngược lại các bể chứa phục vụ hệ thống sấy thiết bị trong phân xưởng.

Bình quân mỗi ngày, nhà máy này sử dụng khoảng 600 mét khối nước thải, giúp tiết kiệm trên 50% lượng nước sử dụng, đồng thời, tiết kiệm chi phí nhân công. Mỗi tháng, nhà máy cắt giảm được hơn 1 tỉ đồng tiền nước.

Theo ông Nguyễn Hữu Phú, kỹ sư phòng Kỹ thuật của Pinaco, ngoài việc tái sử dụng nước thải tại Nhà máy Ắc quy Đồng Nai 2, từ năm 2013 đến nay, Pinaco đã tận dụng toàn bộ lượng nước thải sau xử lý (đạt loại A theo TCVN) cho việc vệ sinh nhà xưởng tại hai nhà máy khác của công ty này là Nhà máy Ắc quy Đồng Nai và Nhà máy Ắc quy Sài Gòn. “Nhờ tái sử dụng nước thải đồng thời với tiết kiệm năng lượng, hàng tháng, công ty chúng tôi tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể. Điều này rất có ý nghĩa trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay”, ông Phú nói.

Một dây chuyền sản xuất tại Nhà máy Ắc quy Đồng Nai. Nhờ lắp đặt hệ thống tái sử dụng nước thải theo quy trình hoàn lưu khép kín mà doanh nghiệp này tiết kiệm hơn 1 tỉ đồng tiền nước mỗi tháng.

Ngoài việc tận dụng nguồn nước thải, trong bối cảnh chi phí nhiên liệu tăng cao thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp cũng đã chú ý việc tận dụng ánh sáng tự nhiên trong thiết kế tòa nhà, thay thế bóng đèn ít tiêu tốn điện, lắp đặt pin năng lượng mặt trời... Kết quả là cắt giảm được khoản chi phí năng lượng rất lớn.

Như Siêu thị Big C Dĩ An (tại tỉnh Bình Dương), từ khi khai trương vào tháng 3/2013 đến nay, mỗi tháng, siêu thị tiết kiệm hơn 7% tiền điện nhờ chịu đầu tư 11 tỉ đồng lắp đặt 1.450 mét vuông pin năng lương mặt trời công suất 213 kW, kết nối trực tiếp với lưới điện của tòa nhà.

Theo đại diện của hệ thống siêu thị Big C, Big C Dĩ An cũng áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện khác như sử dụng toàn bộ bóng đèn chiếu sáng là đèn huỳnh quang T5 (tiết kiệm 35% so với đèn huỳnh quang T8 thường dùng hiện nay); thiết kế hệ thống cửa tòa nhà nhắm tới việc lấy ánh sáng tự nhiên; các bồn trữ lạnh được nạp lạnh vào ban đêm (trong giờ thấp điểm, giá điện thấp) để tích trữ năng lượng dưới dạng đá và xả lạnh vào ban ngày nhờ đá lạnh tan chảy, tiết kiệm điện cho hệ thống điều hòa không khí...

Những giải pháp trên đã giúp Big C Dĩ An tiết kiệm được 30% chi phí năng lượng cho cả tòa nhà nếu so với các siêu thị sử dụng năng lượng trong điều kiện bình thường.

Còn theo đại diện Nhà máy Ajinomoto Việt Nam tại Biên Hòa, Đồng Nai, trước biến động của giá nhiên liệu tăng cao, cách đây hai tháng, nhà máy này đã đầu tư 5 triệu đô la Mỹ vào hệ thống đốt lò hơi bằng trấu thay cho đốt lò bằng dầu và khí, phục vụ sản xuất. Theo tính toán của vị này, hệ thống đốt lò hơi bằng trấu đã giúp doanh nghiệp tiết giảm 30% chi phí nhiên liệu, theo đó, hàng năm công ty tiết kiệm được hàng chục tỉ đồng.

Theo các chuyên gia năng lượng, với mức tăng trưởng GDP và công nghiệp trong thời gian qua, dự đoán nhu cầu tăng trưởng năng lượng trong 10 năm tới là 12,1%/năm, lên gấp 3 lần so với hiện nay, tức vượt quá 100 triệu tấn dầu quy đổi. Trong đó, sản xuất công nghiệp là ngành tiêu thụ năng lượng lớn nhất, chiếm tới 36% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Nếu biết áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng chất thải song song với thực hiện các tiêu chuẩn quản lý năng lượng thì tiềm năng tiết kiệm năng lượng còn rất lớn, khoảng 25%.

Doanh nghiệp tự bơi

Mặc dù việc tái chế, tận dụng chất thải là xu hướng có lợi về tài chính cho doanh nghiệp và về môi trường cho toàn xã hội, nhưng thời gian qua, phần lớn doanh nghiệp muốn triển khai dự án tái sử dụng chất thải đều phải tự bỏ tiền đầu tư chứ chưa nhận được sự hỗ trợ từ kinh phí Nhà nước, kể cả thông qua quỹ bảo vệ môi trường hay quỹ tái chế chất thải.

Chẳng hạn tại TP.HCM có Quỹ Bảo vệ môi trường được thành lập hồi tháng 7/2013 với chức năng hỗ trợ tài chính cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có các chương trình, dự án, các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, phân loại rác tại nguồn, tiết giảm, tái sử dụng, tái chế chất thải, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường.

Tổng kinh phí của quỹ này hiện trên 40 tỉ đồng. Doanh nghiệp muốn vay vốn thực hiện dự án có thể được vay tối đa 7,5 tỉ đồng cho một dự án, lãi suất khoảng 5,6%/năm (lãi suất bằng 50% bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dưới 12 tháng của bốn ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố).

Nghe thì khá hấp dẫn, nhưng qua trao đổi với PV, một đại diện của quỹ này thừa nhận từ khi thành lập đến nay, chưa có doanh nghiệp hay cá nhân nào vay được vốn từ quỹ, do những ràng buộc về điều kiện vay, như chủ đầu tư phải có tối thiểu 30% vốn dự án; phải đảm bảo khả năng thu hồi vốn trực tiếp, hoàn trả nợ vay và lãi vay; phải có tài sản đảm bảo bằng hình thức cầm cố, thế chấp hoặc bảo lãnh của bên thứ ba...

Vị này cho biết đây là những điều kiện khó đối với nhiều trường hợp muốn vay vốn. Ông nói: “Nhiều doanh nghiệp, cá nhân tìm đến rồi lại đi vì phần lớn đất đai, nhà cửa đã được họ dùng để thế chấp vào ngân hàng trước đó hết rồi”.


  • 21/04/2014 03:13
  • Theo:thesaigontimes.vn
  • 2484