Tiết kiệm 500 MW điện mỗi năm từ bã mía

Cơ chế hỗ trợ mới cho giá điện sinh khối là 5,8 cent/kWh, cộng với chi phí tránh được có thể lên đến 7-9 cent/kWh, được cho là cơ hội để ngành mía đường Việt Nam mở rộng đầu tư vào đồng phát điện từ bã mía.

Tiết kiệm tài nguyên

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đồng phát nhiệt điện từ bã mía giúp tiết kiệm tài nguyên hóa thạch, bởi một tấn bã mía 50% ẩm tương đương 0,213 tấn dầu thô. Tại Ấn Độ, 1 MW điện từ bã mía tương đương 1,67 MW từ nguồn tập trung nhiệt điện than.

Ông Nguyễn Văn Lộc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho hay, phát triển đồng phát điện từ bã mía, Việt Nam sẽ chủ động tiết kiệm điện, hạn chế chạy điện dầu và mua điện từ Trung Quốc.

Việc có thêm sản phẩm điện, các nhà máy đường có thêm thu nhập, tăng năng lực cạnh tranh, tạo sự ổn định bền vững cho cây mía, loại cây nông nghiệp gắn với người nông dân.

GS. TS. Mirko Barz, Trường đại học Khoa học ứng dụng Berlin (Đức), nhận định, đồng phát từ bã mía, một trong những lựa chọn sử dụng năng lượng sinh học thành công nhất đã được chứng minh ở nhiều nước sản xuất đường như Brazil, Ấn Độ và Thái Lan.

Ông Nguyễn Văn Lộc:

Cả nước có 6 doanh nghiệp đầu tư vào điện bã mía, công suất đạt 88,5 MW. Hiện 3 trong 6 doanh nghiệp này đang mở rộng đầu tư, dự kiến sau khi hoàn thành sẽ cho 141,5 MW.

Ngành đường có thể hoàn thành chỉ tiêu 500 MW đến năm 2015, nếu có các điều kiện phù hợp.

Theo thống kê, năm 2010, Việt Nam có khoảng 24 triệu tấn mía ép và tạo ra 7,8 triệu tấn bã mía. Khoảng 80% bã mía tại các nhà máy đường được đốt để nạp vào nồi hơi để sản xuất điện và nhiệt điện cho quá trình sản xuất đường. Nhưng do Việt Nam chỉ có 3 nhà máy nối lưới bán điện thừa cho lưới điện quốc gia, với giá 4-5 cent/kWh, nên số bã mía còn lại bị đốt bỏ như một dạng phế thải.

“Triển vọng đồng phát từ bã mía cho Việt Nam rất lớn”- GS.TS Mirko Barz nói và cho hay: Chi phí nhiêu liệu bã mía ở Việt Nam là thấp so với các nhiên liệu khác và so với giá bã mía ở các nước khác.

Triển vọng đồng phát điện từ bã mía cho Việt Nam rất lớn

Điều kiện cần

Sản xuất đường là một quá trình đòi hỏi nhiều năng lượng. Theo GS.TS Mirko Barz, hiện nay, hầu hết các nhà máy mía đường trên thế giới đều sử dụng đồng phát để cung cấp nhiệt năng và điện năng cần thiết cho quá trình sản xuất đường.

Ở các nước đang phát triển, nhiều nhà máy sử dụng trang thiết bị cũ, hiệu quả không cao. Tại Thái Lan, hầu hết lượng bã mía sản xuất đều được sử dụng, nhưng do thiết bị hiệu suất thấp (nồi hơi, tua bin, máy móc) nên khả năng lưu giữ khí nhà kính vẫn rất lớn. Việc sử dụng thiết bị truyền thống như nồi hơi áp suất thấp và tua bin đối áp, mức độ tin cậy của sản xuất điện không đủ để thay đổi sự cân bằng năng lượng và thu hút sự quan tâm phát điện ra lưới.

GS.TS Mirko Barz cho rằng, đưa vào các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp sản xuất đường có thể tăng điện phát của nhà máy đường lên khoảng 100-140 kWh mỗi tấn mía.

Việt Nam có 41 nhà máy đường phát điện, tổng công suất trên 500 MW, phân bổ tại các vùng nông thôn. Tuy nhiên, do thiếu cơ chế hỗ trợ chỉ có 6 dự án đồng phát điện bã mía nối lưới với tổng công suất 76,5 MW. Tổng mức đầu tư của 6 dự án này khoảng 50 triệu USD (suất đầu tư bình quân 715.000 USD/MW), tùy theo xuất xứ và trình độ thiết bị. Dự án có suất sinh năng lượng tốt nhất đạt trên 50 kWh/tấn mía, nhưng ông Lộc cho rằng: “Vẫn kém xa mức của thế giới”.

Thời gian tới, 15-20 nhà máy đồng phát dự kiến mở rộng công suất điện (lắp đặt nồi hơi, tua bin và máy phát mới để phát điện). “Kỹ thuật và hiệu quả kinh tế” ông Lộc cho đây những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm khi triển khai dự án đồng phát điện từ bã mía tại Việt Nam, trong đó, tiết kiệm năng lượng là ưu tiên số 1.

Tiềm năng tiết kiệm trong nhà máy mía tại Việt Nam rất lớn, có thể tiết giảm đến 25% tổng năng lượng tiêu thụ. Hiện tiêu hao điện trong khoảng 35-40 kWh/tấn mía có thể giảm đến mức trên 30 kWh/tấn mía, tiêu hao hơi trong khoảng 400-500 kg hơi/tấn mía có thể giảm đến 300-400 kg/tấn mía.

Ông Lộc khẳng định, các dự án tiết kiệm năng lượng thường có thời gian hoàn vốn trong 2 năm, bởi năng lượng tiết kiệm trong nhà máy đường sẽ tăng thêm sản lượng điện phát ra lưới.

Một yếu tố quan trọng nữa là công nghệ và suất đầu tư. Hiện hầu hết các lò hơi tại các nhà máy đường đang hoạt động dưới mức 45kg/cm2. Mức áp lực càng căng, năng lượng phát sinh càng lớn.

Nếu doanh nghiệp sử dụng công nghệ lò hơi tua bin thấp áp, năng lượng điện có thể phát ra lưới không đáng kể, trong khi suất đầu tư gần 500.000 USD/MW. Nhưng với hệ thống khí hóa và tua bin khí, năng lượng điện có thể phát ra lưới từ 200-250 kWh/tấn bã mía, suất đầu tư là 1-2 triệu USD/MW.

Ông Lộc khuyến cáo, để lựa chọn công nghệ và suất đầu tư, doanh nghiệp cần xác định nguồn gốc xuất xứ của thiết bị từ Trung Quốc, Ấn Độ, châu Âu, Nhật Bản… Đồng thời xác định công suất tối ưu cho hoạt động trong vụ và ngoài vụ, 200-300 ngày/năm, nguồn nhiêu liệu phụ khi hoạt động ngoài vụ, hệ thống tồn trữ và vận chuyển bã mía, hệ thống cung cấp và xử lý nước và các vấn đề môi trường.

Theo Quyết định số 24/2014/QD-TTg, ngày 24/3/2014 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam: Các dự án điện sinh khối được thực hiện theo quy hoạch do Bộ Công Thương lập và phê duyệt.

Theo Quyết định này, bên mua có trách nhiệm mua toàn bộ điện sinh khối được sản xuất, thông qua hợp đồng mua bán điện mẫu do Bộ Công Thương quy định, có ưu đãi về vốn, tín dụng, thuế, đất đai.

Trên cơ sở này, Bộ Công Thương khuyến cáo các đơn vị nên triển khai các dự án đồng phát điện dưới hình thức dự án/pháp nhân độc lập để hưởng đầy đủ các ưu đãi, như miễn thuế doanh nghiệp 10%, miễn thuế trong 5 năm đầu, giảm thuế một số năm tiếp theo…

 


  • 24/06/2014 10:31
  • Theo:baocongthuong.com.vn
  • 3962