|
Đun nấu bằng khí biogas - Ảnh: CTV |
Dùng không hết đem đốt bỏ
Hiện cả nước có khoảng 500.000 hầm biogas, chủ yếu có quy mô dưới 10m3. Riêng Chương trình khí sinh học (KSH) cho ngành chăn nuôi Việt Nam do Hà Lan tài trợ, tính đến hết năm 2012 đã xây dựng được hơn 125.000 hầm. Thế nhưng, việc ứng dụng nguồn năng lượng từ các hầm biogas mới dừng lại ở hoạt động đun nấu và thắp sáng.
Theo khảo sát trong phạm vi Dự án Chương trình KSH cho ngành chăn nuôi Việt Nam năm 2012, tỉ lệ hộ dân dùng đèn KSH để thắp sáng mới đạt 21,1%, dùng bình nước nóng chạy bằng KSH 1%, dùng máy phát điện 1,4%. Đáng nói, có những hộ thừa khí phải đốt bỏ, thậm chí nhiều hộ còn xả ra môi trường gây ô nhiễm.
Đối với các công trình KSH qui mô vừa và lớn (chủ yếu là các trang trại chăn nuôi lớn, các nhà máy chế biến tinh bột sắn) lượng KSH được tạo ra là rất lớn, nhưng chỉ một số ít đơn vị tận dụng nguồn năng lượng này để chạy máy phát điện... Hơn thế, cả nước hiện cũng mới chỉ có khoảng 10% số trang trại có công trình KSH.
Theo ông Lê Anh Đức - Cán bộ Chương trình KSH cho ngành chăn nuôi Việt Nam, nguyên nhân của thực trạng trên là do các thiết bị sử dụng KSH sản xuất trong nước còn đơn điệu (mới chỉ có bếp đôi, bếp đơn) và giá thành còn khá cao so với bếp gas công nghiệp.
Trong khi đó, các thiết bị khác nhập khẩu như đèn thắp sáng, đèn sưởi ấm vật nuôi, bình nước nóng, nồi cơm (phần lớn từ Trung Quốc) chất lượng thấp, mạng lưới cung cấp lại hạn chế, giá thành lại cao. Đối với sản xuất KSH qui mô công nghiệp, giá thành sản xuất điện từ KSH cao hơn nhiều giá điện từ nguồn hóa thạch (nhiệt điện, điện khí) và thủy điện nên đến nay vẫn chưa có dự án điện chạy bằng khí sinh học nào được hòa vào lưới điện hoặc bán điện thương phẩm.
Người dân, doanh nghiệp chưa mặn mà với KSH
Ths. Hồ Thị Lan Hương - Viện Năng lượng:
Hiện nay, nhiều công trình KSH khi xây dựng do tính toán quy mô chưa phù hợp (lượng chất thải lớn, công trình bé và ngược lại), nên không phát huy được tối đa hiệu quả, gây lãng phí. Có nhiều dự án tạo ra nguồn năng lượng lớn sử dụng không hết, nhưng người dân lại không biết san sẻ hoặc bán cho các hộ xung quanh mà đốt bỏ hoặc xả ra môi trường…
|
|
Là một nước nông nghiệp, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển KSH. Nhưng để khai thác và sử dụng nguồn năng lượng này, chúng ta vẫn còn rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là vốn đầu tư xây dựng các công trình KSH lớn, khả năng hoàn vốn lâu nên người dân và doanh nghiệp không mặn mà. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện vẫn còn thiếu khung pháp lý cho các dự án năng lượng tái tạo, nên chưa thu hút được các nhà đầu tư xây dựng các dự án sản xuất khí sinh học quy mô lớn…
Ông Lê Anh Đức cho rằng, để khai thác tối đa và có hiệu quả nguồn năng lượng KSH, Chính phủ cần có những chính sách, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp cũng như các hộ gia đình tổ chức sản xuất KSH kiểu công nghiệp. Cùng với đó, cần huy động các nhà khoa học, nhà tài trợ xây dựng bộ tiêu chuẩn cho thiết bị sử dụng khí; Nghiên cứu sử dụng KSH ở hình thức khác như hóa lỏng KSH thành nhiên liệu để chạy động cơ đốt trong và các máy móc khác, nhằm sử dụng tối đa năng lượng từ các hầm biogas.
Một số mô hình sử dụng hiệu quả năng lượng từ các hầm biogas:
Công ty Mía đường Tuy Hòa (Phú Yên) dùng khí biogas đốt lò hơi thay thế dầu FO.
Nhà máy Tinh bột Sơn Hải (Quảng Ngãi) tận dụng khí biogas trong sản xuất
Nhà máy Bia Sài Gòn (TP.HCM) dùng khí biogas để phát điện;
Phường Thủy Xuân (TP. Huế) dùng khí biogas thắp đèn chiếu sáng các phố xa trung tâm về đêm…
|