Nâng cao nhận thức cho Việt Nam
Tại diễn đàn nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về công trình xanh và các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực xây dựng, do Tổ chức Fairventures Worldwide (Đức), đơn vị chủ quản dự án E4G.org - dữ liệu và mạng lưới công trình xanh Việt Nam phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức, bà Wendy Werner, Giám đốc Bộ phận thương mại và cạnh tranh khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận định:
“Ngành Xây dựng là một trong những ngành tiêu thụ năng lượng nhiều nhất ở Việt Nam, chiếm tới khoảng 36% tổng năng lượng tiêu thụ của cả nước. Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng sẽ giúp chủ công trình giảm chi phí vận hành khoảng 20%, đồng thời góp phần hướng Việt Nam vào tiến trình tăng trưởng kinh tế khí thải ít cacbon”.
|
Cần nâng cao nhận thức về lợi ích của công trình xanh tại Việt Nam. |
Có thể thấy mối quan tâm và nhận thức của mọi người về công trình xanh đã tăng lên đáng kể trong giới sinh viên chuyên ngành kiến trúc, trong cộng đồng giới xây dựng và chuyên gia Việt Nam ngày càng tăng, thì những hiểu lầm về chi phí thi công xây dựng công trình xanh vẫn còn đó. Vì vậy, không chỉ vấn đề nhận thức chung là trở ngại cho việc phát triển ngành, mà vấn đề nhận thức chính xác về các vấn đề xây dựng công trình xanh cũng cần được để tâm hơn.
Cơ hội cho các công trình xanh
Các công trình xây dựng không nên chỉ quan tâm đến chi phí đầu tư ban đầu, mà còn phải chú trọng đến chi phí vận hành lâu dài của công trình. Sử dụng những vật liệu và công nghệ xanh sẽ giúp thu hồi vốn đầu tư nhanh chóng từ những lợi ích kinh tế như chi phí tiền điện thấp hơn mà vẫn tăng năng suất làm việc.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu về sức khỏe cộng đồng đã cho thấy ánh sáng tự nhiên và không khí sạch có thể làm tăng tinh thần làm việc của nhân viên và giảm tỷ lệ xin nghỉ, vắng mặt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc tiết giảm chi phí dài lâu cho người sử dụng công trình không phải là ưu tiên hàng đầu của những nhà đầu tư trong quá trình xây dựng. Điều này đòi hỏi thị trường phải đề ra nhu cầu phát triển xanh và thiết lập một khung pháp lý phù hợp như Quy chuẩn xây dựng xanh và cần thực hiện các giải pháp khuyến khích để thúc đẩy ngành xây dựng xanh.
Ông Nguyễn Trung Hòa, Vụ trưởng Vụ KHCN & MT (Bộ Xây dựng) cho rằng: “Khoản tiết kiệm chi phí vận hành chủ yếu là từ chi phí điện thấp. Tuy nhiên, nhu cầu giảm chi phí điện phần lớn chưa thực sự được chú ý nhiều tại Việt Nam khi các loại thuế điện của nước ta vẫn thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Mặc dù Chính phủ đang dần chuyển hướng sang giá điện thị trường, nhưng vẫn cần có thời gian mới có thể giảm áp lực lạm phát cũng như các tác động đang có lên những người tiêu dùng thu nhập thấp và lên chi phí sản xuất”.
Ông Hòa cho biết, thời gian gần đây, nhiều người cũng cảm thấy cần phải tìm cách để có thể tiết kiệm điện bằng việc lựa chọn sử dụng các công trình xây dựng xanh.
Ông Poul Kristensen, chuyên gia trong lĩnh vực công trình xanh cho rằng: “Tiết kiệm chi phí trong sử dụng năng lượng các tòa nhà không có cách nào khác ngoài việc thúc đẩy hiệu quả năng lượng và giải pháp thiết kế xanh cho công trình. Thông qua bốn hoạt động chính đó là: Tăng cường nhận thức, chia sẻ kiến thức, Xây dựng cộng đồng, và truyền thông nhà xanh. Đối với nhu cầu phát triển vượt trên các nhu cầu trong ngành, sẽ yêu cầu không chỉ nâng cao nhận thức mà còn cần hiểu rõ chính xác về chi phí và lợi ích của công trình xanh”.
Tại Việt Nam, hệ thống chứng nhận công trình xanh chỉ bắt đầu được đưa vào ứng dụng vào năm 2010, khi Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam công bố các tiêu chí của bộ công cụ LOTUS, được nghiên cứu và phát triển dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế như LEED và phù hợp với các điều kiện và đặc trưng của đất nước ta.
Những bước đi đầu của LOTUS đã đặt nền tảng quan trọng để có thể tiếp tục áp dụng và triển khai các hoạt động xây dựng xanh tại Việt Nam.
|