Luôn mỉm cười với suy nghĩ tích cực khi bắt đầu một ngày mới (ảnh minh họa)
|
Bắt đầu ngày mới với những suy nghĩ tích cực
Khi thức dậy, đừng vội nghĩ tới những áp lực trong ngày làm việc như “Hôm nay mình phải hoàn thành bản báo cáo quan trọng cho sếp” hay “Mình phải thuyết phục một khách hàng khó tính”. Hãy thư thái và nghĩ tới những điều thú vị sắp diễn ra trong ngày làm việc của bạn. Bạn có thể bắt đầu ngày mới bằng cách lắng nghe một bản nhạc hay đọc vài chương của cuốn sách truyền cảm hứng để tinh thần thêm lạc quan.
Ghi nhớ mục tiêu làm việc
Hãy luôn nhớ rằng bạn làm việc và chọn lựa công việc hiện tại vì những lý do sâu xa, quan trọng. Đó có thể là để trợ giúp gia đình, để có một cuộc sống tốt đẹp hơn, để thỏa mãn niềm đam mê, để đóng góp cho cộng đồng… Với bất cứ động lực nào, hãy nhắc nhở bản thân rằng hôm nay là cơ hội để bạn thực hiện phần nào mục tiêu quan trọng đó.
Sử dụng phương tiện đi lại một cách thông minh
Chọn lựa phương tiện đi lại phù hợp nhất với bạn và trong thời gian di chuyển, bạn có thể lắng nghe những bài hát yêu thích, tạo tinh thần sảng khoái, thúc đẩy bạn làm việc hiệu quả.
Mỉm cười
Hãy tạo thói quen mỉm cười dù không hẳn có điều gì đó khiến bạn cười. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng thậm chí nụ cười gượng ép cũng sẽ làm giảm stress và khiến bạn hạnh phúc hơn.
Thể hiện tâm trạng lạc quan
Khi mọi người chào hỏi nhau: “Anh khỏe không?” hay “Dạo này thế nào rồi”, họ thường trả lời một cách trung lập như “Tôi ổn” hoặc tiêu cực như “Đang rối bù với công việc”. Kiểu nói chuyện như vậy sẽ lập trình não bạn với những suy nghĩ bi quan và thất bại. Thay vào đó, nếu có người hỏi, hãy nói điều gì lạc quan và nhiệt tình, chẳng hạn “Rất tốt”, “Tôi đang có một ngày tuyệt vời”.
Thực hiện nhiệm vụ quan trọng trước
Mọi người thường phàn nàn rằng có quá nhiều việc và không biết nên bắt đầu từ đâu. Đơn giản nhất, hãy bắt tay thực hiện những nhiệm vụ quan trọng nhất. Trước khi bắt đầu ngày làm việc, bạn nên lập một danh sách những việc cần làm trong ngày được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và thực hiện theo đó.
Tránh người bi quan
Đó có thể là đồng nghiệp hay phàn nàn, thường xuyên muốn “buôn chuyện”. Những lời than phiền của họ không chỉ làm mất tinh thần làm việc mà còn ảnh hưởng tới năng suất làm việc của bạn. Vì vậy, hãy cố gắng tránh những người này trong giờ làm việc. Bạn có thể tập trung vào công việc khi họ bắt đầu lẩm bẩm về những điều họ sẽ hoặc không thể thay đổi.
Không làm việc liên tục nhiều giờ đồng hồ
Làm việc liên tục mà quên ăn trưa hay nghỉ ngơi không phải là ý tưởng hay. Bạn có thể làm việc năng suất trong 1 ngày nhưng trên cuộc đua dài, bạn sẽ không có đủ năng lượng. Do đó, hãy chú ý cân đối công việc để làm việc hiệu quả nhất.
Thư giãn
Một khi đến giờ nghỉ, hãy kết thúc thời gian trong ngày của bạn bằng những hoạt động không liên quan tới công việc, mang lại niềm vui và giúp bạn thư giãn. Đây còn gọi là khoảng thời gian “sạc pin”, giúp bạn nạp năng lượng cho ngày làm việc tiếp theo.
Tổng kết lại ngày làm việc
Trước khi đi ngủ, hãy dành 10 – 15 phút để đánh giá lại ngày làm việc của mình, về những việc bạn đã làm được và chưa hoàn thành. Đặc biệt, hãy liệt kê ra những việc hoặc người bạn cần cám ơn vì đã giúp đỡ bạn rút ra bài học hữu ích trong ngày làm việc của mình. Bạn sẽ ngủ ngon hơn và sẵn sàng cho ngày hôm sau.