(Ảnh minh họa)
|
Các cậu bé thường học cách giao tiếp, các hành vi xã hội chậm hơn các cô bé. Thay vào đó là thích thú chơi game hoặc đọc truyện tranh hơn là tiếp xúc, học hỏi mọi người xung quanh. Một số thì quá hiếu động nên không có thời gian tập trung vào phát triển kĩ năng xã hội. Vì vậy, để con trai bạn trở thành một người tự lập, đầy trách nhiệm, sống vui vẻ, giao tiếp tốt, học giỏi, làm bố mẹ nở mày nở mặt, bạn có thể tham khảo những lời khuyên dưới đây:
1. Đặt trách nhiệm lên vai cậu bé
Làm theo hướng dẫn của mẹ và hoàn thành nhiệm vụ được giao là kĩ năng mà các bé trai thường yếu hơn các bé gái. Bạn nên cho bé thực hành thường xuyên bằng cách nhờ bé làm những việc đơn giản như lấy cho bạn chiếc thìa, chăm sóc thú nuôi.
Tính trách nhiệm sẽ giúp bé nhiều khi đi học và trong cuộc sống gia đình, ngoài xã hội sau này.
2. Để bé bày tỏ cảm xúc của mình
Đừng bắt bé không được khóc, không được giận dỗi, không được mè nheo như các bé gái. Nếu bé tức giận, nếu bé buồn, hãy để bé khóc. Khi bé đã xả được nỗi giận, nỗi buồn của mình thì bạn nên nói chuyện với bé về cảm xúc đó và hỏi tại sao bé lại như vậy. Giúp con gọi cảm xúc đó thành tên.
Điều này sẽ giúp cho con sống thật với cảm xúc của mình, đương đầu với những cảm xúc mãnh liệt khác khi lớn lên và giúp bạn hiểu bé nhiều hơn. Một cậu bé không tỏ thái độ, lúc nào cũng lầm lì thì thật đáng sợ phải không bạn?
3. Cho bé nhiều tình thương bằng những biểu hiện cụ thể
Theo nghiên cứu thì cha mẹ ảnh hưởng tâm lý đối với con trai ít hơn là con gái đặc biệt là trong tuổi thơ. Nhưng không phải là các cậu bé không cần những cái ôm, những cái hôn âu yếm của cha mẹ. Bé sẽ cảm thấy an toàn và được bảo vệ khi nhận được những cử chỉ đó từ cha mẹ.
Khi các cậu bé lớn, thường xấu hổ trước mặt bạn bè khi cha mẹ thể hiện tình cảm. Tuy nhiên, dù nói không muốn nhưng các con vẫn cần có nó. Chỉ cần bạn thể hiện khác đi một chút như ôm lấy bé khi không có người ở lạ ở xung quanh, hoặc vỗ vai, vỗ vào lưng bé để động viên…
4. Đừng hạn chế một đứa bé hiếu động
Bé trai thường có nhiều năng lượng để chạy nhảy, leo trèo, chơi đùa. Bạn không nên hạn chế điều đó của bé mà chỉ cần nhắc nhở để đảm bảo an toàn cho bé, nô đùa vào thời gian thích hợp.
5. Đừng hoảng sợ khi thấy bé có biểu hiện không “nam tính” lắm
Một câu bé vẫn có thể thích ôm gấu bông. Bạn nghĩ bé có vấn đề giới tính? Không phải vậy đâu, đó là cách bé biểu hiện tình cảm của mình, và khi lớn lên, bé sẽ trở thành một người đàn ông ấm áp đó.
6. Cho bé nhiều cơ hội học hỏi kĩ năng xã hội
Phần lớn các cậu bé không dễ dàng kết thân với các bạn khác như các cô bé. Các cậu thường chơi trong một nhóm như nhóm đá bóng, nhóm bóng bàn… nhưng không phải lúc nào cũng có cơ hội tham gia. Bạn nên tạo cho bé những buổi chơi cùng bạn bè như mời bạn cùng lớp của bé tới nhà chơi, khuyến khích bé chia sẻ đồ chơi, chỉ cho bé cách làm một người bạn tốt, chơi đẹp là như thế nào.
7. Để bé thỏa niềm đam mê âm nhạc
Nếu con bạn thích âm nhạc, hãy để bé chơi một dụng cụ nào đó. Các nghiên cứu cho rằng, chơi nhạc giúp rèn luyện khả năng suy nghĩ của bé và cải thiện trí nhớ.
8. Cổ vũ những thú vui của bé, thậm chí nếu điều đó không dành cho con trai
Con bạn muốn học múa, bạn bè có thể chế nhạo, bạn có thể thấy bất ngờ, nhưng đó là sở thích của bé và bạn cần tôn trọng, khuyến khích con chấp nhận được sự khác biệt với các bạn khác, con sẽ vượt qua được những lời trêu chọc vì sự khác biệt này. Sở thích của trẻ con có thể thay đổi từng ngày, có thể vào tuần sau bé lại thích chơi bóng rổ chẳng hạn.
9. Theo dõi năng lực của con ở trường
Thường xuyên trao đổi với giáo viên chủ nhiệm để biết được điểm mạnh và yếu của con ở trường để có cách khuyến khích cũng như khắc phục. Bạn nên bớt chút thời gian kèm cặp con học bài ở nhà.
10. Kích thích sự tích cực
Các cậu bé có thể mạnh hơn các cô bé về thể chất, sự năng nổ và cần phải biết cách khuyến khích các con phát huy thế mạnh đó theo hướng tích cực. Nên cho các con tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường, tham gia vào ban cán sự lớp, liên đội của trường.