Nể vợ mới là đàn ông đích thực!

Hôm nọ, mấy anh em ngồi uống cà phê, bất chợt sếp tôi đưa ra câu hỏi lạ: “Thế nào là đàn ông đích thực?”. Lũ đàn em nêu rất nhiều đáp án dài dòng khác nhau, tôi chỉ cô đúc có một câu: “Là người biết nể vợ”.

(Ảnh minh họa)

Mọi người xúm vào cà khịa: “Sợ vợ thì cứ nói thẳng là sợ, chêm chữ nể vào làm gì!”. Tôi cười cho qua, không ngờ nửa tháng sau sếp kéo tôi lại bàn về chữ "nể" dạo nọ, sếp khen tôi phát biểu chí lý, chí tình.

Sau đó sếp lại đưa ra thắc mắc cắc cớ: “Vậy phải nể thế nào để không bị mang tiếng sợ vợ”. Tôi ú ớ một hồi rồi “chém gió”: “Không được dao động tinh thần bởi lời mỉa mai của kẻ khác. Sếp nhận là mình sợ vợ đi và hài hước trước những câu trêu ghẹo của mọi người, cứ bảo vợ mình cả xóm sợ chứ mình mình đâu mà ngại”.

Hôm đi leo núi với hội bạn, chúng hỏi khá ngụ ý: “Xin phép vợ chưa?” Tôi tỉnh bơ: “Viết xong, điểm chỉ rồi, thời buổi này phải giấy trắng mực đen còn làm bằng chứng”.

Về khá muộn, chúng lại thăm dò, “Giờ này liệu có bị vợ cho đứng đường không?”. “Không, trèo tường là nghề của chàng mà”. Thực ra tường nhà tôi chẳng ai trèo nổi, nhà tôi ai cũng có một chìa khóa cổng và khi tôi chưa về hiếm khi vợ khóa cửa trong.

Lần tôi gọi điện cho vợ báo tin chiều nay đi thăm bố chị đồng nghiệp nằm viện, một tay nghe thấy cười hô hố: “Sao phải báo cáo như trẻ con trình bày với mẹ lý do về muộn thế?”, tôi không nói gì và tôi vẫn cứ sẽ báo vợ, đơn giản là tôi không muốn để vợ con lo lắng chờ cơm.

Tối sang nhà ông bạn hàng xóm chơi Đế chế, được một lát thì vợ gọi về. Hôm sau gã hàng xóm cười vẻ thông cảm: “Tốt nhất, mỗi lần đi chơi, ông mang theo que hương, đốt hết một que thì ông về, người ta gọi là một tuần hương ấy mà, cho vợ đỡ phải sang gọi”.

Tôi đùa lại: “Để ria mãi cũng chán, tôi quyết định nuôi râu cho nó quặp vào rồi” và đến giờ thì về nhà chuẩn như một chiếc đồng hồ, vì vợ tôi nói không ôm chồng, vợ không ngủ nổi, thương vợ trằn trọc thì tôi về thôi, chả cần đến tuần hương.

Lần khác sang, lão hàng xóm gật gù: “Mái già nhà ông cao tay, bá đạo phết nhỉ? Tuổi trâu à? Thảo nào, giờ có giống trâu điên, nó húc cho thì lòi ruột. Nhưng chưa bằng tôi, vợ tôi tuổi chó, càng phải thận trọng hơn, kẻo khi không nó ngoằng cho một cái thì dại theo mất”. Vợ ông bạn đứng đó mắt tóe lửa rồi lại thản nhiên bỏ vào trong, gã nháy mắt: “Cho kẹo cũng chả dám nói lại”.

Đến giờ tôi lại cáo từ ra về, đánh răng rửa mặt xong, quay ra khóa cổng, bỗng nhòm thấy ông hàng xóm đang dựa lưng vào tường thật lãng tử, liền gọi với sang: “Sao chưa đi ngủ?”. “À ờ, ra ngoài hút điếu thuốc kẻo ở trong nhà trẻ con lại hít phải”.

Vào nhà mới nhớ ra quên cái Laptop ngoài xe, lật đật mò ra bỗng thấy tiếng lay cổng và ông bạn hàng xóm đang nói những tiếng khẽ nhất có thể: “Vợ ơi, mở cổng cho anh, từ sau không ăn nói lôm côm nữa là được chứ gì?”. Tôi cười khùng khục.

Nghe đồng nghiệp suốt ngày kể chuyện tôi chăm sóc vợ và sợ vợ thế nào, có anh còn bảo, đây là mẫu đàn ông điển hình, thành thạo nữ công gia chánh, công dung ngôn hạnh đầy đủ, đúng là niềm mơ ước của các cô gái.

Có anh lại chặc lưỡi: “Nói thật là tôi ngưỡng mộ ông quá, xách giỏ đi chợ cho vợ trong ngày nắng đẹp”. Tôi cũng kêu lên: “Tôi cũng thán phục ông vô cùng, có thể đi chơi trong khi vợ nằm ốm ở nhà”.

Vắng mặt bọn “rải đinh” ấy, cô đồng nghiệp nói vẻ thành thực đến khó tin: “Giá mà em lấy được người như anh?”. Đó không phải là lần đầu tiên tôi nghe câu ấy, còn rất nhiều lời khen từ "đồng bọn" của vợ và gia đình bên ngoại. Mẹ vợ tôi còn tự hào: “Đốt đuốc bảy ngày không tìm được người như thằng rể”.


  • 28/12/2011 03:35
  • Theo Dân Trí
  • 1707


Gửi nhận xét