Ảnh minh họa
|
Khác với thuốc, Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm của Mỹ - FDA (cũng như nhiều nước khác) - không xem xét độ an toàn của các thành phần trong mỹ phẩm hoặc đồ chăm sóc cá nhân trước khi chúng ra thị trường (mà doanh nghiệp sẽ tự công bố tiêu chuẩn sản phẩm và cơ quan quản lý hậu kiểm).
Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất thường dùng các chiêu quảng cáo để gây hiểu nhầm, dùng từ ngữ mơ hồ, hoặc thậm chí là những khẳng định sai lệch về các sản phẩm được gọi là sinh thái/tốt cho sức khỏe.
Các nghiên cứu tới nay cho thấy nhiều loại sản phẩm chứa các hóa chất liên quan tới bệnh ung thư, vô sinh, mất cân bằng hoóc môn, dị tật thai nhi, các vấn đề về thần kinh hoặc gây ra những trục trặc sức khỏe khác.
Nên nhớ da của chúng ta không phải là một rào chắn cứng nhắc. Nó cho phép các phân tử hóa chất thấm vào máu, và có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh lý. Điều gì xảy ra trong cơ thể chúng ta khi phải tiếp xúc với một lượng nhỏ hóa chất ngày qua ngày, trong nhiều năm? Không ai biết chính xác sẽ ra sao. Vì thế, cách tốt nhất là hãy sử dụng chúng an toàn và chọn những sản phẩm natural, nontoxic (tự nhiên, không độc hại).
Tuy nhiên, nhầm lẫn rất dễ xảy ra khi bạn tìm kiếm thông tin trên bìa sản phẩm. Để giúp bạn, chuyên gia của Huffingtonpost đưa ra "Top 10 cụm từ cần lưu ý về sản phẩm xanh". Chúng là các từ và thuật ngữ giúp bạn nâng cao cảnh giác về những khác biệt khó nhận thấy đang được sử dụng trên các nhãn hàng hiện nay.
1. "Environmentally Friendly" và "Eco-Safe" (hay là "Thân thiện với môi trường" và "An toàn sinh thái"). Hiện tại ở Mỹ cũng chẳng có tiêu chuẩn chính thức hoặc quy định cụ thể nào của Chính phủ về những thuật ngữ này. Ngoài ra, Ủy ban thương mại liên bang Mỹ (FTC) còn cho những thuật ngữ này là quá mơ hồ.
2. "Đã được bác sĩ kiểm nghiệm", "Đã kiểm nghiệm độ nhạy cảm" và "Giảm dị ứng". Theo Cơ quan Thuốc và Thực phẩm Mỹ, các nhà sản xuất không buộc phải thực hiện bất cứ kiểm nghiệm nào hoặc cung cấp bằng chứng rằng sản phẩm đã được một bác sĩ kiểm nghiệm. Vì thế, bạn hãy tìm kiếm tên tổ chức đằng sau các tuyên bố này, thay vì xem tên công ty làm ra sản phẩm.
3. "Allergy-Friendly Fragrance" và "Fragrance-Free" (Hay "Hương thơm không gây dị ứng" và "Không mùi thơm"). Những sản phẩm này có thể được làm từ tinh dầu chứ không phải từ dầu tổng hợp không mùi (vốn có thể gây dị ứng), nhưng cũng chứa các hóa chất như DEA, SLS và màu nhân tạo. "Không mùi thơm" không nhất thiết là chẳng có mùi hương, mà có thể nó chứa mùi thơm tổng hợp để lấn át mùi của các thành phần hóa chất khác.
4. "Nontoxic" ("Không độc"). Cụm từ này không có nghĩa là sản phẩm không có chất độc, hoặc là vô hại. Mà nó chỉ ra rằng sản phẩm này là một sự thay thế an toàn hơn một số thành phần độc hại khác và việc dùng nó sẽ không gây ra những ảnh hưởng nguy hiểm tới sức khỏe. Nhưng, không có quy định cụ thể nào của Chính phủ hoặc các tiêu chuẩn chính thức nào cho thuật ngữ này.
5. "Chiết xuất từ...", chẳng hạn sản phẩm có ghi "Chiết xuất từ dầu dừa" là thuật ngữ lừa dối, bởi để tạo ra cocamide DEA từ dầu dừa, người ta cần dùng đến DEA - một hóa chất tổng hợp sinh ung thư. Vì thế, nó chẳng còn tự nhiên hay là an toàn nữa.
6. "Không chứa...". Chẳng hạn, một chất khử mùi có ghi "Không CFCs". Thực chất, CFCs (hay Chloro-fluorocarbons ) đã bị cấm từ năm 1978, vì thế sản phẩm nào chứa chất này sẽ là bất hợp pháp.
Hoặc giả một loại kem khẳng định "Không Parabens", nhưng lại thay thế bằng Phenoxethanol, mà theo tiêu chuẩn an toàn Mỹ, chất này hấp thụ qua da (ở hàm lượng 100%) và có thể gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Kem bôi da và sữa tắm trẻ em thường chứa ở mức 1%. Liệu điều đó có khiến nó an toàn?
7. "Được chứng nhận xanh". Thuật ngữ "xanh" áp dụng cho một sản phẩm có lợi cho môi trường hoặc không gây hại cho môi trường. Nhưng Hiệp hội tiêu chuẩn quốc tế (ISO) cho rằng nó quá mơ hồ và không có nghĩa. Vì thế, hãy tìm kiếm những con dấu có giá trị cho điều đó, ai chứng nhận cho việc này?
8. "Natural" (hay "Tự nhiên"). Từ này có thể khiến bạn hiểu rằng sản phẩm là "từ thiên nhiên", trong khi thực tế không phải vậy. Một công ty có nhãn hàng lớn khẳng định "100% tự nhiên" trên nhãn kem dưỡng ẩm của mình nhưng sử dụng chất hoạt tính bề mặt tổng hợp, chất bảo quản và dầu thơm. Khi đó nó không còn "rất tự nhiên" nữa. Tuy nhiên, không phải tất cả các sản phẩm "tự nhiên" đều xấu. Hãy kiểm tra bản tiêu chuẩn tự nhiên của các sản phẩm chăm sóc cá nhân.
9. "Organic" (hay "Hữu cơ"). Một vài nhãn hàng lớn ghi "hữu cơ" nhưng lại chứa rất ít hoặc không hề có thành phần hữu cơ. Một công ty dầu gội khẳng định sản phẩm của họ tạo ra một "trải nghiệm hữu cơ thật sự", tuy nhiên lại chứa sodium lauryl sulfate, propylene glycol và mầu D&C, là những hóa chất tổng hợp có nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Một nghiên cứu từ Trung tâm Sức khỏe Môi trường Mỹ đã tìm thấy vài sản phẩm hóa mỹ phẩm bị dán nhãn "hữu cơ" sai như vậy.
10. "Được làm từ...". Chẳng hạn, sản phẩm ghi "Được làm từ hoa oải hương", hoặc "Làm từ chanh nguyên chất" có thể chỉ chứa 1% các thành phần đó, phần còn lại là chất tổng hợp. Hoặc "Được làm từ tinh dầu" có thể chỉ chứa 1 - 2 giọt tinh dầu tốt. Hãy tìm kiếm làm lượng ghi trên nhãn để chắc chắn.
Vậy đấy, để tìm được sản phẩm ưng ý, bạn hãy đọc kỹ các thành phần ghi trên nhãn, học cách tránh các hóa chất.