Về miền Tây thưởng thức thịt trâu nướng ngói

Đây là món ăn mà bà ngoại tôi vẫn dùng để thết đãi mấy đứa cháu mỗi dịp trở về quê đón Tết.

Thịt trâu - thực phẩm bổ dưỡng

Theo Lương y Huỳnh Văn Quang (Hội Đông y Q.5, TP.HCM), thịt trâu có vị ngọt, tính hàn (lạnh), không độc như nhiều người thường nghĩ, có tác dụng bổ khí huyết, mạnh gân cốt,... Thịt trâu có thể chữa được chứng phong thấp sưng tê; chứng đau lưng; phù chân...

Mặc dù thịt bò có vẻ như phổ biến hơn, nhưng về góc độ dinh dưỡng, thịt bò hay thịt trâu đều có giá trị dinh dưỡng như nhau. Theo phân tích của các chuyên gia dinh dưỡng, thịt trâu còn có ưu điểm ít mỡ hơn thịt bò. Trong thịt trâu chỉ có 1,6 - 5,6% mỡ, trong khi thịt bò là 10 - 22%. Hơn nữa, lượng sắt có trong thịt trâu lại hơn hẳn thịt bò.

Có ý kiến cho rằng thịt trâu nhiều “phong” hơn thịt bò, ám chỉ tình trạng dị ứng sau ăn như nổi mề đay, ngứa ngáy. Theo các bác sĩ, nhận định này là không chính xác. Thực ra, món ăn nào cũng có thể gây dị ứng ở một số người có thể tạng không phù hợp nhưng nếu dùng ở số lượng ít, hoặc dùng chung với gia vị hoặc rau xanh thì sẽ giảm bớt rất nhiều tác dụng gây dị ứng này. Thịt trâu chứa nhiều chất sắt cần thiết cho trẻ em, các bạn gái, phụ nữ trong thời kỳ mang thai và sau sinh.

Thịt trâu và thịt bò đều có giá trị dinh dưỡng như nhau (ảnh minh họa)

Thịt trâu nướng ngói - món ăn độc đáo

Thịt trâu có thể nướng muối ớt, hấp gừng, hay đem đi nhúng cơm mẻ. Nhưng tôi thích nhất là món thịt trâu nướng ngói theo kiểu miền Tây của bà ngoại (miền Tây Nam Bộ - PV).

Thấy nhà ai thay ngói, hay nhà ngói mà phá bỏ xây mới thì ngoại tôi đều vào lựa xin ít tấm ngói còn sạch sẽ cạnh cây đòn vông nhà. Ngói xin về, bà chà rửa thật sạch rồi đem phơi nắng cho khô nỏ (lên thành phố, tôi vào điểm bán vật liệu xây dựng mua mấy tấm ngói mới đem về để làm vỉ nướng thấy cũng ngon không kém).

Nguyên liệu gồm:

- Thịt trâu (lựa phần mềm)

- Bún tươi

- Bánh tráng (bánh tráng phơi sương Trảng Bàng càng ngon)

- Dầu ăn, nước mắm, nước tương, bột ngọt, ngũ vị hương, đường trắng

- Củ hành đỏ, hành trắng, tỏi, sả (các thứ này băm nhỏ, để riêng từng loại)

- Trái ớt, thơm (quả dứa ở miền Bắc ) băm hạt lựu

- Các loại rau đi kèm gồm: Chuối chát, khế thái lát, dưa leo thái dọc trái, tía tô, quế, húng, có thêm ít hoa chuối bào mỏng càng ngon.

Cách làm:

Ướp thịt bằng ngũ vị hương, bột ngọt, củ hành đỏ, củ tỏi băm nhỏ. Nêm nước tương (chú ý: không nêm muối hay mắm).

Cho một chút đường để thịt có màu vàng nâu khi nướng. Cho thêm muỗng dầu (mè, đậu nành…) để lúc nướng thịt bóng đẹp và không khô.

Bắc chảo lên bếp, đợi dầu ăn nóng lên, cho sả vào đảo đều đến vàng, cho thơm đã băm vào, đổ mắm nêm ngập sả chờ sôi nhắc xuống. Ai thích ăn cay thì cho thêm tí ớt vào mắm. Đổ hỗn hợp này ra bát, để riêng làm nước chấm.

Đến công đoạn nướng thịt: Có thể dùng bếp ga, bếp than tổ ong nhưng thú vị nhất vẫn là đặt viên ngói lên bếp than củi để nướng thịt trâu. Gạch nóng rưới lên muỗng dầu, nhanh tay thoa đều, rồi gắp thịt bỏ lên nướng. Trở thịt nhanh tay. Ai thích ăn tái thì nướng sơ nhưng tốt nhất là nướng chín vàng.

Thịt trâu nướng ngói có thể chấm với muối tiêu chanh, nước tương thêm chút tương ớt, nước mắm thấm, nhưng ngon nhất là chấm mắm nêm.

Trải bánh tráng ra đĩa, gắp thêm các loại rau, cho vài sợi bún, đặt miếng thịt lên sẽ thấy nó hấp dẫn đến thế nào.

Cuộn bánh, chấm vào chén mắm, đưa vào miệng cắn một miếng, nhai thật chậm, bạn sẽ thấy ... Vị ngon này chỉ có thể tự cảm nhận, không thể diễn tả bằng lời được.


  • 02/12/2011 10:00
  • Võ Tấn Cường
  • 3635


Gửi nhận xét