3 kỹ năng cơ bản điều hành cuộc họp thành công

Người điều hành chính là người chịu trách nhiệm về nội dung và kết quả của cuộc họp. Trước hết bạn phải tuân thủ chính xác về thời gian. Bạn cũng phải giám sát quá trình tranh luận chặt chẽ, khéo léo điều khiển để tránh nảy sinh mâu thuẫn và cãi lộn.

Cuộc họp là nơi trao đổi và bàn bạc các vấn đề (ảnh minh họa)

Cuộc họp là nơi để trao đổi và bàn bạc, vì vậy, thường có không khí trang trọng. Nếu cuộc họp không được chuẩn bị chu đáo sẽ trở nên kém hiệu quả và mất thời gian. Do vậy, người điều hành cuộc họp cần có những kỹ năng cơ bản để tổ chức một cuộc họp thành công.

Chuẩn bị những thứ cần thiết

Trong cuộc họp đa số các cuộc trao đổi đều mang tính tự phát. Quá trình cuộc họp diễn ra không hoàn toàn được định trước mà nó chỉ theo một đề cương cơ bản. Ngoài ra, kết quả của cuộc họp không dễ mà được thống nhất nhanh chóng. Bởi vậy, hai điều quan trọng nhất trong công tác chuẩn bị một cuộc họp là: Đặt ra mục đích rõ ràng, thực tế và chuẩn bị những vấn đề cần bàn bạc một cách cụ thể.

Khi một cuộc họp được tiến hành, bạn cần nhìn ra ngay mục tiêu cốt lõi của nó. Đôi khi, các vấn đề có thể được giải quyết mà không cần đến một cuộc họp, vì thế, trước hết bạn cần xác định tính nhất thiết phải có một cuộc họp. Thông thường chúng ta cần đến một cuộc họp khi các vấn đề cần giải quyết bằng tư duy, khi cập nhật thông tin mới hoặc khi cần tổng hợp thông tin.

Vấn đề cần bàn bạc chính là cốt lõi của cuộc họp. Người điều hành chủ yếu dựa vào yếu tố này để xây dựng đề cương cho cuộc họp. Cần phân chia thời gian hợp lý cho từng vấn đề và chú thích thời gian trong đề cương cuộc họp gửi đến các thành viên, để họ định hướng thời gian bàn bạc cho từng vấn đề cụ thể.

Thể hiện vai trò của người điều hành một cách hiệu quả

Người điều hành chính là người chịu trách nhiệm về nội dung và kết quả của cuộc họp. Trước hết, bạn phải tuân thủ chính xác về thời gian. Bạn cũng phải giám sát quá trình tranh luận chặt chẽ và khéo léo điều khiển, để tránh nảy sinh mâu thuẫn và cãi lộn. Cần quan sát các thành viên và ghi nhớ thái độ, ý kiến của họ trong cuộc họp. Nếu có thể, bạn hãy tạo điều kiện cho các thành viên có cơ hội được gặp gỡ trước cuộc họp, điều này sẽ phần nào giúp hạn chế tranh cãi gay gắt hay gây gổ trong cuộc họp căng thẳng.

Tổng hợp cuộc họp

Tổng hợp cuộc họp là bước rất quan trọng. Trước khi kết thúc cuộc họp bạn hãy tổng kết lại những vấn đề cốt lõi đã được giải quyết hay còn tồn đọng và giao việc cụ thể cho từng thành viên. Nhắc nhở những thành viên về nhiệm vụ của họ được giao sau cuộc họp. Tốt nhất, xin nhận xét của những thành viên tham gia về cuộc họp mà bạn tổ chức, điều này giúp bạn rút kinh nghiệm và làm tốt hơn những lần sau.


  • 29/06/2012 03:00
  • Theo kynang.edu.vn
  • 2651


Gửi nhận xét