Đó là kinh nghiệm quản lý của Robert Hohman - CEO Glassdoor, sau nhiều năm "chinh chiến" ở vai trò lãnh đạo tại Glassdoor (cộng đồng nhân sự trực tuyến, nơi để người đi làm bày tỏ công khai những thông tin về chính sách, văn hóa... của công ty mình đang hoặc đã làm việc) cũng như Expedia (hãng dịch vụ du lịch trực tuyến) và Hãng công nghệ Microsoft.
Trả lời cho câu hỏi “Làm thế nào để xây dựng một đội ngũ mạnh?” trên diễn đàn trực tuyến Leadership Insiders, Robert Hohman cho rằng, để xây dựng một đội ngũ mạnh mẽ, nhà lãnh đạo nên lưu ý 3 điều sau:
1. Có một “tuyên ngôn” về sứ mệnh của công ty
Một "tuyên ngôn" chính thức về sứ mệnh của công ty giúp xác định “ngọn núi” mà bạn muốn nhân viên mình phải cùng “leo lên”. Nhà lãnh đạo phải dẫn dắt nhân viên trong suốt hành trình này và vì thế, họ cũng cùng tiến bộ từng ngày cùng với đội ngũ của mình.
Nhà lãnh đạo không nên chỉ tuyên bố suông với nhân viên về sứ mệnh của công ty mà còn phải hành động như là “ánh sáng soi đường” cho họ.
2. Tạo ra những giá trị cốt lõi
Những giá trị cốt lõi rất quan trọng, giúp đội ngũ nắm bắt được cách công ty vận hành và giúp định hình những mục tiêu cụ thể cho từng cá nhân. Những giá trị này có thể là cách thức bạn tương tác với khách hàng, là những phương châm làm việc mà bạn mong chờ nhân viên sẽ tuân thủ, hoặc là những phương thức mới lạ nhằm tạo bầu không khí vui vẻ tại nơi làm việc…
Một trong những giá trị cốt lõi của chúng tôi là tinh thần trách nhiệm: Nói những gì bạn làm, và làm những gì bạn nói. Giá trị này giúp chúng tôi tạo ra niềm tin trong đội ngũ. Mọi người sẽ biết chính xác trách nhiệm của mình là gì và cùng có ý thức hướng về mục tiêu chung.
3. Duy trì sự minh bạch và văn hóa phản hồi
Thậm chí ngay trong giai đoạn thành công, bạn cũng phải nhớ rằng, không có ai và không có một tổ chức nào hoàn hảo, luôn có dư địa và cơ hội để cải tiến, cải thiện mọi thứ. Những đội ngũ giỏi nhất luôn được xây dựng bởi những nhà lãnh đạo khuyến khích và duy trì sự minh bạch cùng văn hóa phản hồi.
Sự thẳng thắn và cởi mở là chìa khóa để xây dựng một đội ngũ, để mọi người cảm thấy ý kiến, ý tưởng của mình có giá trị và được lắng nghe. Hãy tạo cơ hội và lập nên các kênh để mọi cấp bậc nhân viên ở mọi trụ sở có thể kết nối, đặt câu hỏi và đưa ra phản hồi. Ví dụ, công ty chúng tôi tổ chức họp toàn công ty mỗi 2 tháng, họp nhóm mỗi tuần, có các diễn đàn hỏi – đáp công khai và tổ chức nhiều cuộc họp thường xuyên giữa các nhà quản lý và cấp trên trực tiếp của họ.
Mỗi công ty đều có những sự độc đáo riêng, việc tạo ra và duy trì nét văn hóa đặc thù cũng quan trọng không kém bất kỳ nhiệm vụ nhằm mục đích thương mại nào. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, văn hóa là một trong những yếu tố hàng đầu đem đến sự hài lòng lâu dài cho nhân viên.