5 kỹ năng "lính mới" cần rèn luyện

Nếu bạn nghĩ tấm bằng cử nhân có thể ngay lập tức bảo chứng cho sự nghiệp của bạn sau này thì bạn đã lầm. Doanh nghiệp luôn đòi hỏi các “lính mới” nâng cao nhiều kỹ năng quan trọng khác mà nhà trường chưa hẳn đã trang bị đầy đủ cho bạn.

  Lính mới cần phải rèn luyện rất nhiều kỹ năng(Ảnh minh họa).

Dưới đây là những kỹ năng bạn cần phát triển thêm.


1. Nói trước công chúng

Theo Graham Chapman, Giám đốc khách hàng của một tập đoàn quảng cáo tại Mỹ, “Rất nhiều sinh viên mới ra trường không được trang bị tốt kỹ năng nói trước công chúng. Vì thế họ không thể làm tốt việc giới thiệu công ty qua điện thoại hoặc khi mặt đối mặt với đối tác tại các sự kiện giao lưu, hội họp… Nếu bạn không thể trình bày ý tưởng tốt, bạn sẽ gặp khó khăn khi tham gia các hoạt động của công ty”.

Để khắc phục, bạn có thể tham gia các hoạt động tình nguyện mà tại đó, bạn có thể thực hành kỹ năng nói trước các thành viên. Ngoài ra, bạn cũng có thể tham dự các cuộc họp và cho ý kiến. Hãy nghĩ đến điều quan trọng nhất mà bạn muốn truyền tải đến người nghe và diễn đạt thành lời.

2. Xử trí xung đột

 “Những cuộc đối thoại căng thẳng, lắm lúc "nảy lửa" không phải là hiếm ở công sở và những ai thiếu kỹ năng xử trí vấn đề hiệu quả sẽ hẳn nhiên gặp khó khăn", Kerry Patterson, đồng tác giả quyển sách "Tầm quan trọng của đối thoại" cho biết.

Vấn đề mấu chốt là tập trung vào kết quả, chứ không phải là cảm xúc cá nhân. Kerry khuyên các lính mới “cố gắng đánh giá đồng nghiệp bằng lý trí và hành xử tao nhã, cho dù bạn hoàn toàn không thể chấp nhận quan điểm của họ.

Khi người khác tôn trọng và tin tưởng động cơ của bạn, họ sẽ không “phùng mang” nữa và bắt đầu lắng nghe, ngay cả khi đó là chủ đề “khoai”, gây nhiều tranh cãi. Lúc này bạn có thể chia sẻ quan điểm của mình. Nếu bạn mở lòng với người khác thay vì vội vàng “tát nước lạnh” vào ý tưởng của họ, họ cũng sẽ mở lòng và lắng nghe bạn”.

Thực tế làm việc đội nhóm tưởng cũ nhưng lại hóa mới đối với sinh viên mới ra trường, nhất là khi các đồng nghiệp có những ý tưởng và quan điểm khác nhau. Kỹ năng làm việc nhóm kém có thể khiến năng lực làm việc của bạn không được phát huy, và bạn không thể hòa nhập tốt với đồng nghiệp.

Hãy chấp nhận vai trò lính mới so với các đồng nghiệp nhiều kinh nghiệm hơn trong nhóm. Lắng nghe thay vì luyên thuyên và tôn trọng người khác khi trình bày quan điểm trái ngược. Quan trọng hơn, hãy tham khảo cấp trên về những đồng nghiệp giỏi kỹ năng làm việc nhóm và lấy đó làm gương để phấn đấu. 

Các kỹ năng về công việc: Những kỹ năng tự quản nghề nghiệp sẽ giúp bạn định vị bản thân tốt trong công việc và thăng tiến.

3. Nhún nhường và nhẫn nại

Theo Julie Rulis, chuyên viên tuyển dụng cấp cao của Western Union, “Lãnh đạo luôn muốn nâng đỡ các cá nhân luôn sẵn lòng vượt thách thức và chứng tỏ mình hơn là những người lúc nào cũng "ngồi chờ sung rụng". Nếu bạn ngay từ sớm đã đòi hỏi mức lương cao, chức danh “oách” hoặc đề nghị thăng tiến quá sớm mà không chứng tỏ được năng lực của mình thì cuối cùng cái bạn có chỉ là biệt danh “thùng rỗng kêu to”.

Theo Rulis, nếu có dịp, bạn hãy trò chuyện với các sếp lớn trong công ty về quá trình phấn đấu của họ để từ đó bạn trân trọng thành công và nỗ lực của người khác. Đó cũng là gương phấn đấu cho chính bạn.

4. Cập nhật thông tin

Trong trường học, các giảng viên có thể chưa nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc đọc tin tức. Thực tế, không gì ấn tượng hơn khi “anh lính mới toe” có thể nắm bắt thông tin thời sự và liên hệ đến ngành cũng như là công việc của mình. Nếu vị trí bạn đòi hỏi, bạn có thể email cho sếp những thông tin nóng liên quan đến ngành nghề của công ty, hay thậm chí là tóm tắt khi bài báo quá dài.

Hãy đọc tin tức và các ấn phẩm chuyên ngành để mở rộng kiến thức. Bạn có thể tham khảo sếp và đồng nghiệp về những trang web hoặc tạp chí chuyên ngành cần đọc.

5. Tự quản thời gian 

Theo chuyên gia tâm lý Susan Fletcher tại Texas, “Sinh viên mới tốt nghiệp thường cảm thấy nhiệm vụ của mình trong công ty là gật đầu, tức không được từ chối bất kỳ công việc nào được giao. Nhưng nếu làm như thế, bạn có thể không cân bằng được thời gian và xao lãng công việc chính, hoặc phải “ráng” hết mình chịu trận.

Kỹ năng tự quản thời gian là cách bạn kiểm soát năng lượng và sự tập trung của mình. Hãy hỏi sếp về thứ tự ưu tiên của các công việc và hướng dẫn bạn công việc nào sếp cần gấp và bạn nên thực hiện trước. Fletcher cho biết, “Hãy hỏi bản thân xem những việc bạn làm quan trọng thế nào trong công việc, có giúp bạn thăng tiến hoặc nâng cao kỹ năng chuyên môn của mình hay không?”.


  • 12/11/2013 10:17
  • Theo Congso.com
  • 1491


Gửi nhận xét