Ảnh minh họa
|
Bạn cần nhận diện xem bản thân có những thói quen xấu nào cản trở năng suất làm việc tiềm năng của chính mình. Dưới đây là 7 thói quen khiến bạn không thể làm được nhiều việc mà các chuyên gia nghề nghiệp đã chỉ ra:
1. Lướt web và dùng mạng xã hội quá nhiều
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, lướt web có thể giúp đầu óc bạn tỉnh táo và sảng khoái hơn. Nhưng hãy nhớ rằng, lướt web cũng giống như “con dao hai lưỡi”. Với sự tiếp cận những nội dung không có giới hạn, bạn rất dễ bị rơi vào mê cung mà khó tìm được lối ra.
Theo thăm dò của trang OfficeTime.net, 27% số người được hỏi cho biết dành 2 giờ mỗi ngày để "la cà" trên mạng internet. Cộng thêm với các tin nhắn từ mạng xã hội, chắc chắn bạn sẽ lãng phí một lượng thời gian không hề nhỏ mỗi ngày mà lẽ ra được dùng để làm việc.
Hãy đặt ra giới hạn để tự kiểm soát bản thân. Hiện nay đã có một số ứng dụng hiệu quả giúp bạn chặn các mạng xã hội, chẳng hạn ứng dụng SelfControl của NPR.
2. Thường xuyên kiểm tra email
Một nghiên cứu thực hiện vào năm 2012 bởi McKinsey and Company cho thấy, trung bình, mỗi người lao động Mỹ dành 28% thời gian của mình cho email. Tỷ lệ này tương đương 11 giờ/ 40 giờ làm việc mỗi tuần. Rõ ràng, đây là một thói quen xấu vì bạn không thực sự cần phải thường xuyên kiểm tra email, nhưng bạn vẫn cứ làm.
Một lần nữa, cách tốt nhất để loại bỏ thói quen này là bạn phải tự kiểm soát, giám sát bản thân. Theo gợi ý của chuyên gia, nếu bạn vẫn thường kiểm tra email 5 phút/ lần, hãy giãn mật độ này ra thành 15 phút/ lần, rồi 30 phút, 1 giờ, thậm chí là 3 - 4 giờ mới kiểm tra email một lần.
3. Cả nể những đồng nghiệp thích làm phiền
Một vấn đề rất quan trọng là trong trường hợp cần thiết, bạn cần biết nói “không” với những đồng nghiệp thích “tám” chuyện, thích làm phiền. Thái độ khéo léo nhưng kiên quyết của bạn sẽ giúp bạn tránh được việc bị những đồng nghiệp này gây xao nhãng, giảm năng suất làm việc.
4. Chần chừ trước những nhiệm vụ khó
Hãy giải quyết những việc khó trước và bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn để làm những việc còn lại. Khi bạn nhận thấy bản thân muốn trì hoãn một việc nào đó, hãy thực hiện sự trì hoãn một cách có kiểm soát. Chẳng hạn, bạn ra ngoài đi dạo một lát, gọi điện cho một người bạn… rồi quay lại hoàn thành công việc mà mình đang có ý định hoãn lại.
5. Ôm đồm nhiều việc
Theo một nghiên cứu, phải mất 5 phút để bạn thực sự quay trở lại với một công việc bị gián đoạn. Một nghiên cứu khác cho thấy, các nhà viết phần mềm nếu bị gián đoạn khi đang làm việc sẽ mất 10 -15 phút mới có thể viết mã trở lại. Liên tục nhảy từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác sẽ cản trở bạn đào sâu suy nghĩ, mất mạch công việc và sẽ không thể hoàn thành công việc một cách gọn gàng. Đến cuối ngày làm việc, bạn có thể nhận thấy xung quanh mình là ngổn ngang công việc còn dang dở.
Bởi vậy, nếu bạn là người có xu hướng chưa xong việc này đã muốn làm việc khác, thì năng suất của bạn sẽ không bao giờ đạt tới ngưỡng tiềm năng tối đa. Những người thích ôm đồm nhiều việc cũng đối mặt với vấn đề tương tự. Theo các chuyên gia, làm nhiều việc cùng lúc khiến não bộ của bạn bị phân tán. Nếu thực sự muốn tăng năng suất làm việc, đừng bao giờ vừa ăn, vừa viết, vừa trả lời chat… Việc kiểm soát sẽ cho thấy hiệu quả ngay lập tức trong năng suất làm việc của bạn.
6. Bắt đầu từ việc nhỏ
Việc bắt tay vào thực hiện một mục tiêu lớn có thể rất khó khăn, nhưng không phải không làm được. Để tránh bị ngợp trước một mục tiêu quá lớn và không biết nên bắt đầu từ đâu, bạn có thể chia mục tiêu đó thành những mục tiêu nhỏ hơn, dễ hoàn thành hơn. Nói cách khác, thử nghĩ xem việc nhỏ gì mà bạn làm hôm nay sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu lớn. Bắt đầu từ việc nhỏ chính là chìa khóa để không bị ngợp và quá tải.
7. Không ngủ đủ
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ngủ ít hơn 7,5 giờ mỗi ngày sẽ hạn chế khả năng vận động của trí não. Và đương nhiên, năng suất làm việc của bạn sẽ suy giảm. Ngủ đủ sẽ giúp bạn tập trung tốt hơn, làm được nhiều việc chất lượng hơn.