Ảnh minh họa
|
Chú ý quan tâm và vui vẻ với mọi người
Hãy nói chào buổi sáng, hỏi nhân viên xem kỳ nghỉ cuối tuần của họ thế nào. Quá trình giao tiếp này cần được diễn ra với thái độ thân mật nhưng lịch sự, không suồng sã.
Lắng nghe nhân viên
Biết lắng nghe ý kiến của nhân viên để tìm ra giải pháp quản lý tối ưu là một trong những yếu tố có thể giúp một người lãnh đạo đạt hiệu quả cao trong kinh doanh.
Biết lắng nghe là một nghệ thuật của nhà quản lý bởi không chỉ nghe mà còn cần biết cách đưa ra những câu hỏi không trùng lặp, biết kiềm chế, biết ghi nhận những thông tin quan trọng cũng như sử dụng kiến thức của mình như một vũ khí chiến lược. Đặc biệt cần kiên nhẫn, sử dụng những ngôn ngữ cử chỉ để thể hiện sự lắng nghe một cách chân thành.
Biết dừng lại đúng lúc và không ngắt lời người khác cũng sẽ giúp bạn thành công hơn trong việc giao tiếp. Vấn đề là mọi người đều muốn được lắng nghe hơn là bị bắt buộc phải nghe. Ai vận dụng tốt điều này sẽ có thêm cơ hội thu được nhiều kiến thức hơn, từ đó hướng mọi người đến những mục đích chính của mình.
Sử dụng những ngôn từ có sức mạnh, tích cực trong quá trình giao tiếp với người khác. Đó là những từ ngữ bình thường nhưng có sức mạnh đặc biệt. Ví dụ: “Cảm ơn nhiều”, “Anh đang làm tốt đấy”, hoặc “Chúng ta không thể hoàn thành mục tiêu mà không có anh”, “Sự đóng góp của anh đã kéo khách hàng cho công ty”. Những lời như vậy sẽ khiến cho nhân viên cảm thấy họ quan trọng như thế nào. Những lời động viên khuyến khích sẽ giúp họ nỗ lực hơn trong tương lai.
Khen thưởng
Khen thưởng là một trong những công cụ hữu hiệu nhất mà nhà quản lý cần áp dụng để khuyến khích tinh thần làm việc của nhân viên. Trao thưởng đúng lúc, đúng người và đúng cách sẽ tạo động lực làm việc và sự đóng góp tích cực của nhân viên cho công ty. Một thực tế là không phải nhà quản lý nào cũng biết cách khen thưởng nhân viên. Chỉ khi nào nhà quản lý thực hiện chính xác 3Đ (đúng lúc, đúng người, đúng cách) mới giúp chế độ khen thưởng nhân viên đạt hiệu quả cao nhất.
Giữ lời hứa với nhân viên
Lòng tin của nhân viên sẽ bị suy giảm khi họ nhận ra rằng sếp không làm đúng những gì đã hứa. Nhà quản lý trong nhiều tình huống đôi khi buộc phải cam kết, phải hứa, nhưng làm được hay không còn phụ thuộc vào hoàn cảnh khách quan và các nhân viên cũng thông cảm khi sếp hứa nhưng không giữ được lời hứa vì không có đủ điều kiện để thực hiện.
Riêng trong những tình huống sếp hoàn toàn có quyền chi phối mà lời hứa của sếp lại dễ dàng bị bỏ qua thì các nhân viên sẽ "nhớ mãi". Chẳng hạn sếp hứa đối xử công bằng, không thiên vị ai trong số các nhân viên dưới quyền nhưng lại ưu ái cho đôi ba nhân viên thì chỉ trong một thời gian ngắn, hình ảnh sếp lập tức xấu đi trong mắt của phần lớn nhân viên. Do vậy, chuyện thưởng phạt công minh rõ ràng, theo đúng nguyên tắc luôn là điều hết sức quan trọng mà nhà quản lý cần gương mẫu thực hiện.