Thành công không nhất thiết "đồng hành" với chức danh quản lý

Bạn có thể không muốn trở thành một nhà quản lý, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bạn muốn ở một vị trí thấp kém, bạn vẫn cần thể hiện bản thân trong công việc để được trân trọng và đánh giá cao.

(Ảnh minh họa)

“Tôi nghĩ việc nhiều người hài lòng với vị trí của một nhân viên bình thường là điều khá phổ biến, và họ có những lý do riêng”, Andy Teach, tác giả cuốn sách "From Graduation to Corporation: The Practical Guide to Climbing the Corporate Ladder One Rung at a Time, Second Edition" (tạm dịch: Hướng dẫn thực tế giúp bạn từng bước thăng tiến trong sự nghiệp) nói. 

“Không phải tất cả mọi người đều có khả năng để trở thành một nhà quản lý. Quản lý con người là một trong những công việc khó khăn nhất, bạn phải có một số kỹ năng nhất định để có thể trở thành một nhà quản lý thành công” - ông giải thích. “Làm quản lý có nghĩa là thêm trách nhiệm, thêm căng thẳng, không phải ai cũng muốn là người phải chịu trách nhiệm hay "đứng mũi chịu sào”.

Một lý do khác nữa, ngày càng nhiều nhân viên muốn có sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân, không muốn công việc lấn át cuộc sống của họ. Nhiều người muốn đặt cuộc sống gia đình vào vị trí quan trọng nhất và công việc chỉ đứng thứ hai.

Và một lý do cuối cùng nữa là nhiều người làm rất tốt công việc của họ, thích công việc mà họ đang làm và không muốn mạo hiểm đánh đổi nó cho một vị trí quản lý.

“Nếu bạn không có kế hoạch hay khát khao trở thành một nhà quản lý thì bạn cần phải thể hiện điều đó một cách rõ ràng ngay từ đầu”, Debra Benton, tác giả cuốn "The Virtual Executive: How to Act Like a CEO Online and Offline" (tạm dịch: Hành động như một nhà quản lý) nói. Hãy cho sếp của bạn biết là bạn sẽ làm việc chăm chỉ dù bạn không có tham vọng trở thành một nhà quản lý. Và nếu họ hài lòng với công việc của bạn, họ có thể dành cho bạn những phần thưởng mà không nhất thiết phải đưa bạn vào vị trí quản lý. Bạn có thể khẳng định với họ rằng không muốn thăng tiến không đồng nghĩa với không có tham vọng trong công việc.

Trên thực tế, bạn có thể là người thành công mà không cần phải trở thành nhà quản lý. Nếu bạn làm việc tốt và những người xung quanh đều nhận thấy điều đó, có nghĩa là bạn đã thành công. Nếu công việc của bạn góp phần vào sự thành công của tập thể, thành công đó cũng thuộc về bạn. Thành công không nhất thiết phải "đồng hành" với chức danh.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp bạn làm rất tốt công việc của mình nhưng công việc của bạn vẫn bị đe dọa bởi một người mới xuất hiện, tham vọng, nhiệt tình hoặc một sinh viên mới ra trường sẵn sàng làm công việc của bạn với mức lương thấp hơn. Trong tình huống như vậy, bạn sẽ phải làm sao? Dưới đây là một số gợi ý cho bạn:

Làm tốt hơn nữa công việc của mình

Hãy cố gắng ở mức 110%. 100% là khả năng của bạn, 10% còn lại là thái độ tích cực trong công việc, sự tôn trọng những người xung quanh, sự sẵn lòng giúp đỡ, sự hứng thú học hỏi. Bạn phải biết điều bạn còn thiếu để hoàn thiện bản thân hơn, đặc biệt trong tình huống bạn đang được xem xét đánh giá lại.

Có thái độ tích cực

Nếu mọi người quanh bạn thích làm việc với bạn, điều đó sẽ tạo ra sự khác biệt lớn, Andy Teach cho rằng “Nếu có ai đó có thể làm công việc như của bạn và chấp nhận một mức lương thấp hơn, nhưng bạn luôn có thái độ tích cực và khiến cho mọi người quanh bạn cảm thấy thoải mái khi làm việc với bạn thì vị trí của bạn không dễ bị thay thế”.

Sẵn lòng giúp đỡ

 “Làm việc tốt là điều kiện cần, nhưng chưa đủ”, Benton nói. “Bạn cũng nên thể hiện sự quan tâm tới mọi người xung quanh, giúp đỡ họ khi có thể. Đó chính là cách làm tăng thêm giá trị của bản thân”.

Có tinh thần đồng đội

Thể hiện cho sếp của bạn thấy rằng tuy bạn không muốn trở thành nhà quản lý, nhưng bạn luôn có trách nhiệm với tập thể. Bạn sẽ làm những gì có thể để đóng góp cho sự thành công của tập thể.  Những nhân viên quá tham vọng đôi khi khá ích kỉ và tập trung cao vào việc phát triển sự nghiệp của bản thân, làm đẹp hình ảnh bản thân thay vì quan tâm đến thành công của tập thể.


  • 27/07/2013 02:08
  • Lê Huyền (biên dịch theo http://www.forbes.com)
  • 1483


Gửi nhận xét