5 kỹ năng tốt nhưng lại có thể gây trở ngại trong công việc

Những kỹ năng có ích nếu không được sử dụng một cách hợp lí sẽ mang đến kết quả ngược lại.

Những kỹ năng có ích nếu không sử dụng hợp lý sẽ gây trở ngại cho sự nghiệp của chính bạn (ảnh minh họa)

Hãy xem xét 5 kỹ năng dưới đây và điều chỉnh thích hợp để công việc của bạn thành công hơn: 

1. Khả năng đảm nhận nhiều nhiệm vụ cùng lúc 

Thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng lúc, như vừa nói vừa nghe trong một cuộc hội thảo, trả lời tin nhắn và cập nhật thông tin về dự án cho sếp… là một kỹ năng nhiều nhân viên ao ước muốn có. Bạn cho rằng mình sẽ tiết kiệm thời gian và làm được nhiều việc hơn. Nhưng thực chất, khả năng đảm nhận nhiều việc hiếm khi mang lại hiệu quả. Tại sao vậy? Bởi liên tục thay đổi từ việc này sang việc khác khiến bạn không thể tập trung toàn bộ cho bất cứ nhiệm vụ nào. Và kết quả là, chất lượng công việc không tốt và thậm chí bạn còn có thể mất nhiều thời gian để hoàn thành tất cả dự án hơn là nếu bạn thực hiện từng cái riêng rẽ. 

2. Tinh thần làm việc mạnh mẽ 

Trong công việc, làm việc thêm giờ không đồng nghĩa với hiệu quả công việc xuất sắc. Đôi khi, làm thêm giờ là cần thiết với một số công việc. Nhưng nếu nó dần tạo thành thói quen, đó có thể là dấu hiệu bạn không biết cách ưu tiên hóa các nhiệm vụ của mình và làm việc kém năng suất. Ngoài ra, làm việc nhiều giờ dễ dẫn tới quá tải. Do đó, nếu bạn thấy mình dành quá nhiều thời gian ở cơ quan, hãy nói chuyện với người quản lý về phần công việc của bạn và tìm cách cải thiện tình hình.  

3. Tinh thần lạc quan “có thể làm bất cứ việc gì” 

Tất cả các công ty đều cần những nhân viên sẵn sàng đối mặt với mọi thách thức với tinh thần lạc quan. Nhưng tinh thần đó sẽ không được đánh giá cao nếu bạn chấp nhận mọi yêu cầu dù không chắc mình có thể hoàn thành và sau đó thất bại trong việc thực hiện cam kết của mình. Hãy nhớ rằng cần có tinh thần lạc quan, nhưng phải thực tế.

Thái độ lạc quan quá mức cũng là điều bất lợi khi bạn phải đối mặt với một bước lùi. Ví dụ, nếu vụt mất một khách hàng lớn hoặc thất bại trong việc thăng tiến – những điều mà bạn luôn lạc quan cho rằng mình sẽ đạt được, bạn sẽ nhanh chóng rơi vào trạng thái thất vọng, thậm chí trầm cảm. Lời khuyên dành cho bạn là hãy dành chút thời gian để đánh giá lại bản thân và sau đó lập kế hoạch để tiến lên phía trước. Hãy chắc chắn rằng bạn sẽ không bị chững lại trước một sự việc và có những phản ứng lại một cách thiếu chuyên nghiệp.  

4. Sở trường nhìn xa trông rộng 

Tầm nhìn xa trông rộng sẽ giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn cho sự nghiệp của mình. Nhưng tầm nhìn đó sẽ không có tác dụng trong trường hợp bạn nhận thấy tiềm năng thành công trong dự án của đồng nghiệp và nhanh chóng “nhảy” vào, thậm chí còn cố gắng để chứng tỏ rằng đó là dự án của riêng bạn. Cướp mất danh tiếng của người khác sẽ chỉ khiến bạn có tiếng xấu trong công việc và bị mọi người xa lánh.  

5. Kỹ năng công nghệ tốt 

Ngày nay bất cứ ngành nghề nào cũng đòi hỏi nhân viên phải có kiến thức cơ bản về công nghệ, càng thông thạo bạn càng thuận lợi hơn trong công việc. Nhưng sẽ ra sao nếu bạn chỉ tập trung vào máy tính mà bỏ qua các khía cạnh khác như kỹ năng giao tiếp, hợp tác với đồng nghiệp? Bạn sẽ không ghi nhiều điểm với nhà tuyển dụng nếu có khả năng tin học cao siêu nhưng lại thiếu các kỹ năng mềm. Thêm nữa, những người được chọn làm quản lý, lãnh đạo nhóm vì kỹ năng cá nhân tốt chứ không phải vì am hiều về công nghệ.


  • 28/08/2012 11:00
  • Theo business.vnmic.com
  • 2013


Gửi nhận xét