Dự tiệc là cơ hội để tiếp xúc và tăng cường mối quan hệ (ảnh minh họa)
|
Nếu bạn đi dự tiệc mà cho rằng đó là bất đắc dĩ và thấy không thoải mái, bạn sẽ làm cho buổi gặp gỡ trở nên miễn cưỡng. Hãy nghĩ rằng, đó là một cơ hội tốt để tiếp xúc với nhiều người và bạn sẽ có buổi gặp gỡ vui vẻ và thú vị. Thay vì đứng lặng lẽ, dựa vào tường, vắt chéo tay và khuôn mặt không mấy vui vẻ, bạn nên vui vẻ và thoải mái trong giao tiếp với mọi người.
Trang phục thích hợp với bối cảnh sẽ làm cho bạn tự tin hơn rất nhiều. Mỗi sự kiện khác nhau, bạn cần có trang phục thích hợp. Đó là cách bạn tôn trọng người khác và chính mình. Điều đó giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn khi giao tiếp với mọi người.
Giữa chốn đông người, hãy cười và chào mọi người một cách thân thiện. Người Trung Quốc có câu: “Nếu bạn không biết cười thì đừng bao giờ kinh doanh”. Nếu bạn nhìn vào mắt ai đó từ cách 10 bước, hãy biểu hiện sự thân thiện bằng cách gật đầu hoặc mỉm cười. Còn nếu cách 5 bước thì bạn hãy nói: “Chào anh!” hoặc “Dạo này bên anh còn nhập hàng từ Nga nữa không?”... Tùy thuộc vào bối cảnh và đối tượng bạn gặp. Đừng bao giờ cố tình làm như bạn không nhìn thấy người khác.
Người ta sẽ cảm thấy dễ gần nhau hơn khi có chuyện để nói vì vậy nên chuẩn bị trước. Thường xuyên cập nhật thông tin trên báo chí để biết những gì đang xảy ra trên thế giới. Tìm đọc những tạp chí chuyên ngành hoặc sách để cập nhật kiến thức trong lĩnh vực của bạn.
Luôn sẵn sàng chủ động giới thiệu mình với người khác. Chủ động giới thiệu mình và bắt tay làm quen là cách tốt nhất để hòa nhập với những người lạ. Hãy luôn cầm ly rượu bằng tay trái để tay phải có thể sẵn sàng bắt tay.
Có câu: “Nói là gieo, nghe là gặt”, nhưng thực tế phần lớn mọi người thích gieo nhiều hơn là gặt. Người có kỹ năng nghe tốt là người biết khuyến khích người khác nói. Hãy đặt câu hỏi hoặc đưa ra lời bình luận để tiếp tục câu chuyện. Bạn có thể dùng một số cách bình luận: “Nghe có vẻ giống như….”, “Không biết có đúng là anh A làm ở công ty XYZ không?”, “Tôi cũng gặp trường hợp tương tự năm ngoái”, “Cuối cùng anh làm gì”. Có rất nhiều câu hỏi để đào sâu thêm câu chuyện nhưng cũng cần chú ý bối cảnh để đưa ra cách tiếp chuyện thích hợp.
Đừng uống quá nhiều. Nhiều người nghĩ rằng, uống sẽ làm tăng hưng phấn trong giao tiếp, nhưng mặt trái của nó là bạn có thể không kiểm soát được bạn đã nói gì. Sẽ là rất tệ hại khi bạn tỉnh táo và nhận ra rằng lẽ ra không nên nói như vậy. Lúc đó đã quá muộn rồi.
Bạn không chỉ cần lịch sự lúc ban đầu gặp nhau mà cách bạn rút lui, chia tay cũng là một phần của kỹ năng khi đi dự tiệc. Nhiều người tìm cách lặng lẽ rút khỏi cuộc gặp gỡ để không ảnh hưởng tới không khí của người khác. Đó là cách lý giải không hợp lý vì bạn sẽ không gây được ấn tượng. Trong kinh doanh, cách bạn chia tay sẽ góp phần tăng cường hình ảnh của bạn và có thể mở ra những cơ hội mới với đối tác. Những câu nói, “Rất hân hạnh được gặp ông, hy vọng sẽ được gặp lại anh, tôi rất vui đã được nghe anh nói về…” không bao giờ là vô ích.