Khi bị đồng nghiệp chơi xấu, điều bạn cần làm là gì? Có rất nhiều cách để đối phó với những kẻ ganh ghét và thích đâm sau lưng người khác. Tuy nhiên, theo như Shefali Raina - một Giám đốc điều hành đang làm việc tại thành phố New York cho biết: "Việc bị đồng nghiệp ganh ghét và chơi xấu xảy ra thường xuyên hơn bạn tưởng. Những hành vi này có thể chỉ nhẹ nhàng như nói xấu và ghen ghét hoặc có thể nặng nề hơn như việc phá hoại toàn bộ công việc của bạn. Để đối phó với những kiểu đồng nghiệp này, đòi hỏi bạn phải biết cách kết hợp cả chiến lược lẫn kỹ năng".
Tìm hiểu tình hình thực tế
Lúc bị chơi xấu, chắn hẳn khó ai có thể giữ được bình tĩnh để suy xét và cân nhắc tình hình. Tuy nhiên, việc điên tiết lên và có những hành động đi quá sự kiểm soát chỉ càng khiến vấn đề trở nên trầm trọng và đi vào bế tắc hoặc xấu nhất là có thể ảnh hưởng ngược lại đến cá nhân bạn. Vậy nên, dù đang phát tiết, việc đầu tiên bạn cần làm trong trường hợp này là vẫn phải giữ được sự bình tĩnh để suy xét và đánh giá tình hình.
"Hãy tìm hiểu kỹ việc đồng nghiệp không thích bạn hay phá hoại công việc của bạn là có thật, hay chỉ là do bạn tưởng tượng. Não bộ của chúng ta có một khả năng tuyệt vời đó là tạo ra những câu chuyện và xâu chuỗi các thông tin dựa trên thực tế không đầy đủ. Do đó, có thể sự thật thực chất không phải như vậy và chúng ta đang tự suy diễn ra nó", Shefali Raina chia sẻ. Bởi vậy, hãy quan sát thực tế một cách khách quan để bạn có thể làm những bước tiếp theo tốt nhất.
Đứng trên phương diện của họ
Diane Domeyer - Giám đốc điều hành của Menlo Park, thuộc The Creative Group nhận định: "Một số nhân viên, đặc biệt là những người hoạt động trong các lĩnh vực cạnh tranh cảm thấy không thể phát triển nếu phải làm việc cùng đồng nghiệp khác. Việc hạ thấp người khác xuống hay cướp công sức của đồng nghiệp có thể khiến họ cảm thấy mình được tỏa sáng".
Việc đặt mình vào vị trí của người khác để suy xét là không hề dễ dàng và chẳng phải ai cũng làm được điều đó. Tuy nhiên, nếu không thể làm được, bạn sẽ chẳng thể hiểu được một cách sâu sắc động cơ thúc đẩy hành động của đối phương. Mà "biết người, biết ta, trăm trận trăm thắng" nên nếu không hiểu đối phương thì bạn nghĩ mình sẽ đối phó với họ kiểu gì!
Đừng trả đũa
Diane Domeyer nhắc nhở: "Tránh hành động nóng vội mà hãy chờ cho đến khi bạn bình tĩnh để có thể bắt đầu một cuộc nói chuyện lịch sự, thẳng thắn với đồng nghiệp, ngay cả khi tình hình không có dấu hiệu tiến triển tốt".
Và đặc biệt, tránh trả đũa hoặc ăn thua đủ đồng nghiệp, bởi nếu cứ hành động như cách mà đối phương đã làm thì chắc chắn bạn cũng chẳng có gì hay ho hơn họ. Nếu bạn thua thì không có gì để nói nhưng nếu thắng trong trình huống đó thì cũng chẳng có gì vinh quang. Do đó, hãy suy xét và cân nhắc đường đi, nước bước để cuộc chơi của cả hai có thể quang minh chính đại nhất có thể.
Nói chuyện thẳng thắn
Nghiên cứu của The Creative Group cũng chỉ ra 41% người được hỏi nghĩ rằng tốt nhất là tự hành động, trong khi 40% nghĩ rằng nên nhờ đến cấp trên. Với vai trò là người đã có nhiều năm kinh nghiệm, bà Domeyer nói thêm:
"Những việc bạn nên làm còn phụ thuộc vào người bạn đang đối phó là ai, người không thích bạn hay là người đang cố hại bạn và phá hoại công việc của bạn. Nếu đó chỉ là những người ghét bạn thì tốt nhất là nên tự giải quyết. Còn nếu là những người muốn phá hoại bạn, hoặc bạn đã cố gắng giải quyết với họ nhưng không thành và khiến cho tình hình xấu đi thì bạn cần nhờ đến sự can thiệp của sếp. Tuy nhiên, nếu bạn có khả năng tự giải quyết mâu thuẫn, điều đó có thể là một điểm cộng khiến sếp đánh giá cao nỗ lực của bạn trong việc giải quyết vấn đề".
Đối đầu văn minh
Cách tốt nhất để có thể giải quyết những câu chuyện kiểu này chính là đối đầu một cách quang minh chính đại, trực diện và rất đỗi văn minh. Khi cảm thấy bản thân đã xuy xét tình hình một cách kỹ lưỡng và hiểu rõ vấn đề mà mình đang gặp phải cũng như hiểu rõ đối phương, hãy hẹn gặp để nói chuyện trực tiếp và giải quyết vấn đề.
Việc nói chuyện nghiêm túc với thái độ tích cực sẽ giúp đôi bên hiểu rõ về nhau hơn. Đặc biệt, không mang gương mặt hằn học, thái độ thù địch cùng những từ ngữ thô tục để buổi nói chuyện để tránh làm tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Tăng cường hành động
Đừng bao giờ sợ hãi nếu phải đối mặt trực tiếp nếu bản thân bạn không phải là người có lỗi. Hãy chuẩn bị một cách đầy đủ nhất những bằng chứng chứng thể hiện rõ nét sự quấy phá và hãm hại của đối phương. Và đặc biệt, đừng ngại nhận sự giúp đỡ cũng như hỗ trợ từ phía sếp nếu thấy cần thiết.
Dù bạn rất tốt nhưng khó có thể tránh được một sự thật rằng một số người sẽ không thích bạn. Nhưng khi sự khác biệt về tính cách và phong cách làm việc khiến họ coi bạn là kẻ thù và phá hoại công việc của bạn thì hãy hành động nhanh chóng, quyết đoán để giảm tối đa thiệt hại tiềm ẩn.