Bước đầu tiên cần thực hiện, theo Jocko Willink – cựu thành viên đội đặc nhiệm SEAL, là "thừa nhận sai lầm" của mình.
Bản năng của bạn có thể là tránh né tình huống này, nhưng làm như vậy sẽ chỉ đặt chính bạn vào một hoàn cảnh khó khăn hơn mà thôi: "Nếu bạn cố giấu sai lầm đó khỏi cấp trên và những người khác, chắc chắn khi phát hiện ra họ sẽ thấy giận dữ hơn vì bạn mắc thêm một lỗi nữa là không trung thực", Willink giải thích.
Bạn càng nhận lỗi và nhận trách nhiệm sớm càng tốt. Tất nhiên bạn cũng nên chuẩn bị tinh thần nói cho cấp trên biết mình sẽ giải quyết vấn đề ra sao và những gì bạn dự định sẽ làm trong tương lai để tránh lặp lại sai lầm này.
Điều tệ nhất bạn có thể làm sau khi mắc sai lầm chính là đổ lỗi cho các đồng nghiệp hoặc cho hoàn cảnh. Hãy nghĩ về điều này từ góc nhìn của cấp trên mà xem. "Nếu là ông chủ, bạn sẽ chọn ai làm việc cho mình: Người luôn đổ lỗi cho người khác, hay người chịu nhận trách nhiệm về sai lầm của mình?", Willink cho biết.
"Câu trả lời hầu như đã rõ. Mọi người đều biết thế. Tuy nhiên khi thực sự ở vào hoàn cảnh đó, chúng ta cho phép cái tôi của mình lên tiếng và không muốn thừa nhận rằng đó là lỗi của mình, vì thế ta đổ lỗi cho người khác. Rốt cuộc mọi chuyện sẽ không hề tốt đẹp với chính bạn".
Trốn tránh trách nhiệm không chỉ để lại một ấn tượng xấu. Nếu bạn không thừa nhận sai lầm của mình, thì "giải pháp cho các vấn đề cũng không xuất hiện", Willink giải thích. "Vì thế, hãy thừa nhận sai lầm. Cho người khác thấy bạn đã phạm sai lầm, bạn sẽ sửa chữa lỗi lầm này ra sao và làm thế nào để ngăn chặn sai lầm tái hiện trong tương lai".
Nếu bạn là người đứng đầu một đội và một thành viên của đội gặp bạn để nói về một sai lầm anh ta mắc phải, hãy luôn nhớ rằng bạn cũng có phần trách nhiệm. "Bạn không nên có tâm lý thù địch và nhân cơ hội này công kích họ", Willink nói.
Thay vì nói "Đây là lỗi của anh và anh xứng đáng bị trừng phạt vì sai lầm của mình", bạn hãy tìm cách có một cuộc nói chuyện đầy tinh thần xây dựng, chẳng hạn như "Anh thấy đấy, chúng ta đã không làm tốt trong dự án lần này. Tôi nghĩ có một số việc lẽ ra tôi có thể làm tốt hơn để hỗ trợ anh. Anh thử nghĩ xem tôi có thể hỗ trợ được điều gì để công việc của anh dễ dàng hơn?".
Nhờ biến những chỉ trích thành một cuộc trao đổi thân tình, bạn có thể nhanh chóng tìm ra cách giải quyết vấn đề và giúp cho mọi chuyện có hướng tháo gỡ.