Người phỏng vấn muốn Sundar Pichai đánh giá về Gmail khi dịch vụ này chỉ vừa được công bố và ông chưa có cơ hội dùng. Ở vài vòng đầu, người phỏng vấn muốn nghe suy nghĩ của ông về Gmail. Vấn đề ở đây là Google hôm đó mới công bố dịch vụ email này, vào đúng ngày 1/4. "Khi đó tôi còn nghĩ đây là trò đùa Cá tháng Tư ấy chứ", Pichai nhớ lại.
Sau đó, ông đáp lại bằng cách cho biết mình không thể trả lời câu hỏi này, vì chưa từng dùng qua sản phẩm. "Đến vòng thứ 4, khi được hỏi 'anh đã nhìn thấy Gmail chưa?' Tôi nói chưa, người đó mới chỉ cho tôi xem. Đến người phỏng vấn thứ 5, vẫn là câu hỏi đó, tôi đã có thể trả lời được rồi", Pichai cho biết.
Phần lớn ứng cử viên sẽ cố bịa ra một câu trả lời nào đó để nhanh chóng chuyển sang câu sau. Nhưng Pichai đã làm ngược lại và gây ấn tượng với người phỏng vấn. Cuối cùng, ông đã được tuyển.
Theo các chuyên gia, dưới đây là những lý do cách trả lời của ông được coi là xuất sắc.
1. Thể hiện sự khiêm tốn một cách trí thức
Thông thường, trả lời người phỏng vấn rằng bạn không biết điều gì đó sẽ khiến bạn mất điểm. Nhưng nó còn tốt hơn là nói ra điều gì đó có thể sai hoàn toàn.
Khi gặp câu hỏi khó, hãy bình tĩnh và dành thời gian suy nghĩ. Pichai không thể nhận xét về thứ mình còn chưa thấy. Gmail khi đó chỉ vừa ra mắt, phải được mời mới có thể dùng. Vì thế, Pichai cho rằng không biết câu trả lời là điều có thể chấp nhận được.
2. Có lý do
Thay vì chỉ nói "Tôi không biết", Pichai đã giải thích thêm lý do vì sao mình không biết. Đó là vì ông chưa được dùng sản phẩm. Việc này thể hiện sự tò mò - đức tính mọi nhà tuyển dụng muốn thấy ở ứng viên. Pichai hiểu được lợi thế của hoàn cảnh này - đằng sau mỗi câu trả lời "tôi không biết" là một cơ hội để học hỏi. Và đến vòng thứ 4, người tuyển dụng đã quyết định cho ông xem sản phẩm.
3. Biết cách chuyển hướng cuộc trò chuyện
Sau khi được xem qua về Gmail, Pichai đã hiểu hơn về sản phẩm này và có cơ hội thể hiện sự thẳng thắn, thông minh khiến ông trở nên nổi tiếng tại Google. Pichai đã thể hiện rất tốt - chuẩn bị kỹ càng, xử lý tình huống khéo léo, đối diện với thách thức và nhận về kết quả như ý.
Đừng tìm cách ghi điểm bằng cách tạo ra những giá trị ảo. Hãy thể hiện sự trung thực một cách trí tuệ, giúp bạn có cơ hội cho người khác thấy mình biết những gì.
Trong hàng triệu hồ sơ gửi về Google mỗi năm, chỉ 0,2% là được nhận. Nếu vượt qua các vòng kiểm tra khác và lọt vào vòng phỏng vấn, hãy nghĩ về cách bạn có thể làm mình nổi bật, như Pichai, để được nằm trong nhóm 0,2% đó.