Vui, nhưng không quá đà!

Những cuộc nói chuyện với "liều lượng" vừa đủ giữa đồng nghiệp được coi là liều thuốc trị stress hữu hiệu, đồng thời gia tăng tình cảm đồng nghiệp. Tuy nhiên, câu chuyện cần giới hạn về chủ đề, mức độ để mỗi người không trở thành “Người buôn chuyện...”.

Bà Susan Fletcher, một chuyên gia tâm lý và tác giả cuốn sách “Làm việc trong môi trường xuất sắc” đã có một số lời khuyên xung quanh việc trò chuyện nơi công sở.

Ảnh minh họa.

Phân biệt ngữ cảnh trước khi nói

Hãy phân loại xem câu chuyện phiếm bạn đang tham gia là về cá nhân hay công việc, sau đó sẽ có 2 hướng giải quyết.

Nếu mọi người đang nói chuyện về công việc: Hãy thể hiện tinh thần xây dựng nhiều hơn là phàn nàn, đảm bảo chắc chắn rằng, bạn sẽ chỉ nói những gì mình biết rõ. Bên cạnh đó, những việc bạn đã không phát biểu trong cuộc họp, cũng không nên mang ra ngoài bàn bạc. Nếu sếp biết được những nội dung của buổi bàn tán, thảo luận xung quanh vấn đề vừa được thông qua trong cuộc họp, thì dù ý kiến của bạn có đúng 100%,  bạn vẫn sẽ không được đánh giá cao. Bởi vậy, chia sẻ nơi công sở nếu có thể, cần tránh xa những chủ đề nhạy cảm như vấn đề tài chính, lương thưởng, phương thức thanh toán, thưởng phạt, phong cách lãnh đạo… Làm như vậy, bạn sẽ tự tin kể cả khi câu chuyện phiếm bị lộ ra ngoài.

Nếu mọi người nói chuyện về một cá nhân: Có hai lý do để bắt đầu câu chuyện về một người khác, một là do người khởi xướng thích buôn chuyện hoặc họ đang cảm thấy “có điểm không ổn” với người được nhắc tới. Nếu câu chuyện nhằm vào chủ đề chỉ trích hay nói xấu, bôi nhọ danh dự, hạ thấp uy tín của một cá nhân hay một nhóm người nào đó, việc bạn nên làm là lắng nghe và xác định có bao nhiêu phần trăm sự thật trong đó, luôn tỉnh táo trước thông tin, tránh nói thái quá về một ai đó, gây hậu quả không lường trước được.

Thể hiện sự tích cực

Khi nói chuyện với đồng nghiệp, hãy duy trì sự tích cực và thận trọng. Đặc biệt, chuyện thân mật đến đâu cũng phải có giới hạn nhất định. Những chủ đề cần tránh là những thông tin tiêu cực, không liên quan tới công ty, hay chuyện riêng tư của người khác như giới tính, tôn giáo, phẫu thuật thẩm mỹ, sức khỏe, dị tật, chuyện yêu đương, thói quen kỳ lạ, chuyện gia đình của người khác… Đặc biệt, bạn cần nghe nhiều hơn là nói, chọn lọc những thông tin có ích cho công việc của mình, tiếp nhận thay vì phát tán nó và tránh xa các tin đồn, không đưa ra thông tin “hot” trong khi chưa đảm bảo chính xác.

Không bàn luận về cấp trên

Bạn có thể không thích quyết định của sếp hay công ty, nhưng bàn tán, buôn chuyện về việc này sẽ không giúp bạn đạt được điều mình mong muốn. Bên cạnh đó, công việc của bạn có thể liên quan tới những thông tin mật của công ty, phòng ban, cơ chế, quyết định quan trọng. Khi nói chuyện với đồng nghiệp hay bất cứ người nào không liên quan, dù thân thiết, bạn cũng không nên chia sẻ. Nếu vi phạm, bạn sẽ phải chịu trách nhiệm. Hãy luôn ghi nhớ điều này khi trò chuyện với mọi người.

Đánh giá mức độ rủi ro

Nếu bạn chia sẻ một câu chuyện vui về những gì đã xảy ra với hàng xóm của mình vào cuối tuần, hay bàn luận về những món ăn đơn điệu trong bữa ăn trưa ở nhà ăn, đó là điều bình thường, không gây rủi ro hay phiền toái. Nhưng nếu bạn trao đổi với nhân viên phòng khác về đồng nghiệp của bạn hay tự đặt ra những lý do vô căn cứ cho tình hình tài chính đi xuống của công ty, lại là chuyện khác.

Hãy nghĩ xem đồng nghiệp và sếp sẽ nghĩ gì nếu đi ngang qua và nghe được câu chuyện của bạn. Tình cảm đồng nghiệp có thể bị "sứt mẻ", sếp có thể sẽ mất niềm tin ở bạn và có thể sẽ xảy ra những tình huống nghiêm trọng hơn. Vì vậy, bạn nên cân nhắc thật kỹ trước khi chia sẻ bất cứ thông tin gì với người khác.

Lan truyền những thông tin hữu ích

Với những nhân viên thường xuyên chịu áp lực công việc, khoảng thời gian “buôn dưa lê” với đồng nghiệp phần nào giúp họ thư giãn và giảm căng thẳng. Những câu chuyện được chia sẻ tại công sở đôi khi giúp nhân viên văn phòng tìm kiếm được nhiều điều có lợi cho công việc, cuộc sống như: Dạy dỗ con cái, ứng xử, đối phó với những tình huống hiểm nguy như phòng trộm cướp khi đi đường, đi lễ hội; ý thức tham gia giao thông; chia sẻ cách nấu một món ăn ngon… Việc lan truyền bí quyết hay hoặc thông tin hữu ích có thể làm nhiều người cảm ơn bạn. Nhưng vẫn cần nhớ là, chia sẻ, trò chuyện chỉ không phí thời gian nếu nó không ảnh hưởng đến…thời gian làm việc của bạn và đồng nghiệp.


  • 23/01/2019 09:27
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực, chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 1305