Khen trước, phê sau...

“Muốn đối phương tiếp nhận phê bình một cách thoải mái và ghi nhớ những lời phê bình đó, chúng ta phải cho họ nhận ra được những điểm chưa tốt” - Đó là chia sẻ của diễn giả nổi tiếng người Mỹ Dale Breckenridge Carnegie (tác giả cuốn sách Đắc Nhân tâm) và câu chuyện về nghệ thuật phê bình do chính ông đề xuất.

Trong một lần ghé thăm văn phòng của bạn gái, Dale Carnegie đã kiên nhẫn lắng nghe bà giám đốc marketing của 1 trong top 500 công ty lớn nhất Hoa Kỳ kể về những vấn đề bà gặp phải với nhân viên cấp dưới. “Anh ta là người hay thay đổi. Có hôm anh ta làm việc rất tốt, rất đúng hạn, nhưng có hôm, anh ta chẳng làm được gì và cuối cùng đồng nghiệp phải hoàn tất công việc giúp anh ta.” – bà than thở.

Ảnh minh họa.

Bà cũng cho biết, việc đe dọa và gửi “tối hậu thư” như sẽ trừ lương, thưởng, sẽ đuổi việc… không giúp anh ta bỏ được cá tính. Một phần là vì trước đây, người quản lý cũ cũng đã từng áp dụng giải pháp này, nhưng không thành công. Vì vậy, lần này bà ấy đã thử sử dụng giải pháp “góp ý xây dựng”. Bà chia sẻ: “Mỗi khi anh ta hoàn tất công việc đúng thời hạn, tôi thường khen ngợi: “Anh đã làm rất tốt, nhưng tôi mong lần sau, anh cũng sẽ luôn hoàn thành công việc đúng hạn như hôm nay.” Sau đó, anh ta cũng cải thiện được một vài lần, nhưng rồi đâu lại vào đấy, mọi việc lại trở lại như cũ”.

Dale Carnegie đã chỉ cho bạn mình thấy rằng, chiến thuật này không hiệu quả chỉ vì  từ: “nhưng”. Nhiều người cảm thấy chiến thuật “khen trước, phê sau” rất hiệu quả, nhưng ít ai biết rằng chỉ 1 từ rất nhỏ đã hoàn toàn làm hỏng lời khen ở vế trước. “Khi sử dụng từ “nhưng” ở vế sau, bà đang chuẩn bị phủ nhận câu nói ở vế trước đó, lời khen trở thành chủ ý nhắc nhở nhiều hơn thay vì mong muốn, hy vọng. Ai cũng biết rằng, mình sắp bị phê bình khi nghe từ “nhưng” - Dale Carnegie chân thành khuyên bạn.

Dale Carnegie gợi ý bạn nên dùng từ “và” thay vì “nhưng”. Thế là lần sau, khi khen anh ta, bà ấy thường nói: “Tốt lắm, hôm nay bạn đã hoàn tất công việc đúng hạn và nếu ngày mai, bạn cũng có thể làm được như vậy thì đội ngũ bán hàng sẽ có thề triển khai dự án của chúng ta theo đúng kế hoạch”. Thay vì phê bình không hoàn thành công việc đúng thời hạn, bà ấy đã nói rằng, bà cảm thấy thật buồn khi những đồng nghiệp phải làm thay công việc của anh ta vào cuối tuần. Bà còn hỏi lại anh ta, liệu có phải điều chỉnh lại kế hoạch làm việc của nhóm để mọi người cùng có ngày nghỉ cuối tuần không? Sau đó, bà yêu cầu anh ta trình bày quan điểm, có cần ra hạn thời gian thực hiện công việc để tình trạng này không tiếp diễn nữa?

Sự thay đổi nhỏ này đã mang lại hiệu quả bất ngờ. Bà ấy đã truyền tải được điều mình cần mà không làm người nhân viên cảm thấy bị tổn thương. Bà khen anh ta là một nhân viên rất có năng lực và những nhược điểm của anh hoàn toàn không ảnh hướng đến những gì mọi người mong đợi ở anh trong tương lai.

Câu chuyện trên cũng cho thấy, trong công việc và cuộc sống thường ngày, ai cũng gặp phải những tình huống buộc phải nói ra những điểm chưa tốt của người khác. Nhưng thay vì phê bình một cách trực diện, bạn nên bắt đầu từ ý kiến đánh giá chân thành những ưu điểm của nhân viên, sau đó mới nêu ra những điểm chưa được của họ. Làm như vậy, bạn có thể nhận được những phản hồi tích cực hơn từ phía người mà bạn phê bình. Hay bạn cũng có thể tự phê bình bản thân mình trước, sau đó mới  phê bình người khác.

Nhiều người hôm nay không phạm sai lầm chỉ đơn giản vì họ đã phạm những sai lầm trước đây. Vậy tại sao chúng ta lại quá bực dọc khi nhân viên, đồng nghiệp của mình mắc phải những sai lầm? Dale Carnegie chia sẻ: “Mỗi ngày tôi đều phạm phải những lỗi nhỏ. Do đó, khi phê bình một ai đó, tôi thường bắt đầu nói từ kinh nghiệm bản thân, từ những điều nhỏ nhặt mà tôi nghĩ mình có thể làm tốt hơn khi chấp nhận lời góp ý và thay đổi. Dó đó, tôi không mong đợi sự hoàn hảo từ mỗi người. Lời phê bình là để chúng ta có cơ hội ngồi lại với nhau, cùng bàn luận cách giải quyết những vấn đề nhỏ nhặt, trước khi những vấn đề này trở nên phức tạp, khó lường. Hãy vận dụng chiến lược này vào thực tiễn cuộc sống và công việc, bạn có thể sẽ thay đổi cách nhìn của người khác về mình và về cả thế giới”.


  • 24/12/2018 02:28
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực, chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 1560