6 thủ thuật tránh khủng hoảng sự nghiệp cho năm mới

Ở tuổi 27, Adam Poswolsky hiểu thế nào là khủng hoảng sự nghiệp khi công ty do anh thành lập bị phá sản, bản thân rơi vào cảnh thất nghiệp và mất niềm tin vào cuộc sống. Tuy nhiên, cú sốc đó đã giúp Poswolsky trưởng thành, giúp anh trở thành một diễn giả, tác giả nổi tiếng với cuốn bestselling The Quarter - Life Breakthrough.

Độ tuổi 20 – 30 ngập tràn những hoài bão nhưng cũng là giai đoạn thăng trầm nhất trong sự nghiệp, đặc biệt với thế hệ Y (millennials – những người được sinh ra từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000).

Poswolsky cũng là một người trẻ thuộc thế hệ Y, do đó anh hiểu rõ cảm giác hoang mang của các millennial khi tin tức về khủng bố, bất ổn chính trị, khủng hoảng kinh tế ngày càng nhiều, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của họ.

Thống kê của các nhà tâm lý học thuộc Đại học Greewich và Đại học London cho thấy, 90% những người thế hệ Y được hỏi cho rằng họ vừa trải qua một quãng thời gian đầy biến động trong đời, đặc biệt trong năm 2016.

Để giúp người trẻ tránh gặp khủng hoảng trong sự nghiệp, Poswolsky đã chia sẻ những thủ thuật giúp năm 2017 của họ trở nên tốt đẹp hơn:

Nghỉ chơi mạng xã hội một tuần

Để thoát khỏi tình trạng thất nghiệp, Poswolsky đi làm cho một công ty. Thay vì cảm thấy hạnh phúc với mức lương 70.000 USD một năm, anh lại thấy khổ sở. Poswolsky biết anh thực sự không muốn làm công việc này, nhưng cũng chưa biết mình muốn gì nên luôn tự thấy mâu thuẫn.

May mắn thay, Poswolsky đã nhận ra nguyên nhân của tình trạng ấy, đó là do anh không ngừng so sánh bản thân với những người bạn trên mạng xã hội. “Để thôi lo lắng người khác nghĩ gì về mình, hãy tạm nghỉ chơi mạng xã hội trong một tuần và xác định xem mình thực sự muốn gì”, Poswolsky chia sẻ.

Hãy xóa Snapchat, Facebook, Instagram và Pinterest khỏi điện thoại, hoặc ít nhất tắt chế độ nhận thông báo mới. Cố gắng dành thời gian làm những thứ mình thích (vẽ tranh, chụp ảnh, viết lách…), để bản thân có thời gian tĩnh lặng cần thiết và lắng nghe mong muốn xuất phát từ sâu thẳm bên trong.

Nhìn lại mọi thứ

Hãy nhớ lại những khoảnh khắc có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bạn. Những thứ bạn từng thích, những mục tiêu lớn/nhỏ từng thực hiện…

Việc dành thời gian nhìn lại những chuyện đã qua giúp bạn tĩnh tâm, tìm mối liên kết giữa bạn ở thì hiện tại với con người bạn trước kia; tìm xem những yếu tố nào đã giúp bạn định hướng cuộc đời, truyền cảm hứng để bạn tiếp tục công việc đến nay.

Làm bài tập “sự thật hay nỗi sợ”

Khi đã có ý tưởng về hướng đi sắp tới, hãy ghi chúng ra giấy, đồng thời xác định những lo lắng mà theo bạn sẽ ảnh hướng đến việc hoàn thành mục tiêu đó.

Thử làm một bài tập nhỏ có tên “sự thật hay nỗi sợ” để đánh bại cảm giác sợ hãi đang chế ngự bạn. Bài tập này có hiệu quả không chỉ riêng với Poswolsky mà còn với bạn bè anh.

Trước tiên, hãy ghi một danh sách chứa những lo lắng của bạn. Với từng nỗi lo, hãy xác định xem nguyên nhân của nó là gì, xác định xem nguyên nhân đó dựa trên một cơ sở có thật hay chỉ do yếu tố tâm lý. Ví dụ:

– Lo lắng 1: Không có tiền hưởng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe.

Trả lời: Là nỗi sợ. Bạn có thể tìm thấy nhiều sản phẩm, dịch vụ giá cả phải chăng được cung cấp bởi các công ty lớn hoặc startup trong lĩnh vực sức khỏe.

– Lo lắng 2: Muốn làm trong lĩnh vực sức khỏe nhưng không đủ khả năng tài chính theo học chính quy hay thi chứng chỉ.

Trả lời: Là một phần sự thật. Thực tế, bạn cần giấy phép/chứng chỉ để làm việc nhưng nếu không có thì hiện có nhiều công ty sẵn sàng đào tạo bạn, thậm chí trả tiền học phí cho bạn đi học. Chỉ cần bạn chứng minh bản thân xứng đáng với điều đó.

Sự sợ hãi có khả năng phá hủy ý chí con người. Do đó, hãy xác định cẩn thận những nỗi sợ vô hình, tìm hiểu chúng bắt nguồn từ đâu, từ đó tìm cách vượt qua chúng.

Xem nấc thang nghề nghiệp như “lá sen trong đầm”

Thăng tiến giúp phát triển sự nghiệp nhưng cũng hạn chế mong muốn thử nghiệm – vốn là thứ giúp bạn tìm ra đam mê. Để tránh tâm lý bó buộc bản thân, hãy xem các nấc thang nghề nghiệp như những lá sen trong đầm. Mỗi bước tiến của bạn trên nấc thang cũng giống như những cú nhảy từ chiếc lá sen này sang chiếc khác.

“Mỗi lá sen là một công việc hay cơ hội nghề nghiệp. Bạn có thể tự do nhảy đến bất kỳ “lá” nào mà chúng có ý nghĩa với bạn, cho bạn cơ hội thay đổi bản thân, thậm chí thay đổi thế giới”, Poswolsky nói.

Gọi bản thân theo cách mong muốn 

Nếu bạn không đủ can đảm gọi bản thân bằng tên gọi nghề nghiệp mà bạn muốn làm thì sẽ không ai dám thuê/trả tiền cho bạn để thực hiện điều đó.

Khi Poswolsky bắt đầu tự gọi mình là một diễn giả, một nhà văn, anh nhận được sự quan tâm của nhiều người, và được giới thiệu với những người hoạt động cùng lĩnh vực. Đó là một trong những cách anh xây dựng mối quan hệ và phát triển sự nghiệp.

Xây dựng mạng lưới cộng đồng

Bí quyết cuối cùng giúp Poswolsky tránh khỏi tình trạng khủng hoảng sự nghiệp là xây dựng một mạng lưới cộng đồng quanh mình. Bill Gates và Warren Buffett là minh chứng điển hình cho điều này. Họ biết rằng thành công sẽ không có được nếu họ tách khỏi cộng đồng.

“Sự đột phá đòi hòi nỗ lực từ cá nhân nhưng nó cũng cần sự trợ giúp từ bên ngoài”, Poswolsky cho biết. Nếu hiện tại bạn không có bạn bè hay người quen trong ngành – những người có thể cùng bạn bàn bạc kế hoạch hoặc tháo gỡ khó khăn, hãy tìm một mạng lưới nghề nghiệp thông qua mạng xã hội hay các website chuyên nghiệp.

Khi bạn chia sẻ suy nghĩ của mình với những người khác, khả năng bạn tìm được người ủng hộ càng cao, từ đó giúp bạn tạo ra những bước đột phá trong công việc.


  • 10/03/2017 08:52
  • Nguồn: enternews.vn
  • 1863