Sau đây là 7 lý do vì sao bạn vẫn còn loay hoay tìm kiếm thành công mặc dù có thể bạn rất thông minh và chăm chỉ:
1. Bạn không gặp gỡ những con người mới
Ở gần bên những người bạn đã quen biết lâu ngày luôn rất thoải mái. Bạn biết quá khứ của nhau và dễ bật cười trước những trò đùa người ngoài không hiểu. Vấn đề của các mối quan hệ lâu năm là các ý tưởng nảy sinh từ đây cứ lặp đi lặp lại, bạn không được tiếp cận với những góc nhìn mới và ở mãi dưới đáy giếng với những người quen cũ của mình.
Việc làm quen với người lạ mới đầu có thể khó khăn với một số người, nhưng bạn không cần đòi hỏi quá nhiều từ bản thân ngay từ đầu. Hãy đặt cho mình những mục tiêu nhỏ trước, ví dụ mỗi tuần sẽ giới thiệu bản thân với một người mới.
2. Bạn lười thay đổi
Ở quá lâu trong một môi trường khiến việc thích nghi với môi trường mới trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên sự thay đổi sẽ đem đến cơ hội và những cách tân.
Thay vì ở mãi trong vùng an toàn, hãy thử xem bản thân có thể ứng biến như thế nào trước những sự thay đổi. Hãy mở lòng đón nhận những góc nhìn mới và không ngừng tò mò về thế giới xung quanh.
3. Bạn không sẵn sàng đối mặt với rủi ro
Người thông minh hay chọn con đường an toàn. Họ thích theo lối mòn giống phần đông những người đồng lứa, chọn những công việc phổ biến dễ được nhiều người chấp nhận.
Mặc dù lựa chọn này rất an toàn, nó cũng rất nhàm chán. Tôi thường xuyên nghe những người thông minh phàn nàn rằng công việc họ đang làm không làm họ thỏa mãn, họ muốn làm những việc khác nhưng không dám vì sợ.
Nếu bạn đang phân vân không biết mình có nên thử sức với một lĩnh vực mới, hãy tưởng tượng mười năm sau mình sẽ ra sao nếu giờ mình không làm gì cả. Bạn sẽ ân hận hay thấy may mắn vì quyết định ngày xưa của mình?
4. Bạn tin bạn xứng đáng có được thành công với khả năng của bản thân
Những người có kết quả học tập tốt hồi còn đi học thường quen với việc bản thân giữ những vị trí top đầu và cũng quen với những lời khen là họ giỏi. Chuyện này mới nghe tưởng tốt nhưng thực chất có nhiều mặt trái.
Tôi từng nghe nhiều người phàn nàn rằng họ xứng đáng có thứ này thứ kia vì họ thông mình, họ học ở những ngôi trường danh giá. Họ hy vọng mọi chuyện sẽ diễn ra suôn sẻ vì họ có tố chất. Điều đáng buồn là cuộc sống không đơn giản như vậy.
Trên thực tế, kết quả bạn đạt được không chỉ do mỗi công sức bạn bỏ ra quyết định, đó là sự kết hợp giữa thái độ chăm chỉ, tư duy chiến lược và một chút may mắn nữa. Yếu tố cuối cùng có thể được cải thiện nếu bạn tập trung làm tốt điều thứ nhất và thứ hai.
5. Bạn theo đuổi những mục tiêu mới một cách cảm tính
Câu tôi thấy người thành đạt hay nói là họ rất ghét lãng phí thời gian. Người thông minh cũng thừa hiểu được giá trị của thời gian, thời gian và công sức họ đổ vào một việc sẽ buộc họ phải hy sinh một sự lựa chọn khác.
Bạn sẽ lãng phí rất nhiều thời gian của mình nếu vội vàng chạy theo những mục tiêu bốc đồng và nhanh chóng bỏ cuộc. Bắt đầu ở những lĩnh vực mới luôn khó khăn và việc vượt qua những chướng ngại ban đầu đòi hỏi sự kiên trì cao độ.
Trong dài hạn, tập trung sức lực vào một mục tiêu duy nhất sẽ đem lại kết quả tốt hơn việc theo đuổi một mục tiêu, chán bỏ rồi lại chạy theo một mục tiêu mới.
6. Bạn không quyết đoán
Thông minh và chăm chỉ có thể mở ra rất nhiều cánh cửa. Thế nhưng đôi khi có quá nhiều lựa chọn lại làm bạn bối rối. Bạn không biết nên chọn cái nào. Kết quả là cánh cửa nào bạn cũng ghé vào để xem “cái gì hợp với mình”.
Thay vì cứ lao vào mọi cơ hội, hãy tham khảo ý kiến từ những người đi trước, dành thời gian nghiên cứu trước khi đưa ra những lựa chọn phù hợp với tính cách và quan điểm sống của bản thân.
7. Bạn không tin vào chính mình
Ngạc nhiên là những người thông minh thường hay đánh giá thấp năng lực của bản thân. Họ là kẻ phê bình khắt khe nhất với chính mình và điều đó khiến họ tin rằng mình không thể làm được.
Người thông minh thường yêu cầu cao đối với công việc của mình, hay soi mói và nghi hoặc thành quả của bản thân. Mới nghe thì tưởng tốt nhưng thực chất việc này dễ khiến khổ chủ mệt mỏi. Sự cầu toàn có thể hạn chế con người ta tiến về phía trước hay bắt đầu thứ gì đó mới mẻ.
Thay vì để nỗi sợ “nếu như… thì sao…” hay “mình không đủ tốt” ngáng chân, hãy nghĩ xem bạn muốn cuộc sống sau này của bạn sẽ như thế nào. Bắt đầu sẽ có ích hơn là chờ đợi điều gì đó xảy đến.
Xem link gốc Tại đây