Nguyên nhân xuất phát từ thái độ thờ ơ trong việc kiểm soát sách lậu, vốn đang bị bày bán tràn lan trên nền tảng này. Việc thiếu chính sách kiểm soát hiệu quả sách giả trên thị trường đã gây ra những thiệt hại không nhỏ đối với những người làm sách.
Từ kẻ dung túng cho sách lậu hoành hành...
“Bất kỳ ai cũng có thể xuất bản sách” là một trong những hướng đi chính của Amazon. Kể từ năm 2007, doanh nghiệp này đã cho ra mắt dịch vụ hỗ trợ xuất bản sách điện tử và in sách theo yêu cầu từ năm 2016. Qua đó, các tác giả có thể dễ dàng sáng tác và bán trực tiếp sách của mình một cách dễ dàng mà không cần qua biên tập. Tuy nhiên, mô hình này đang dần bộc lộ những điểm yếu. Do được tự do biên tập và xuất bản, những đầu sách tự sản xuất này rất dễ dàng đạo nhái những tác phẩm khác mà không bị kiểm duyệt.
Nạn buôn bán sách lậu và ăn cắp sách điện tử đang ngày càng phức tạp. Ảnh: Stephen Brashear/Getty Images |
Trang tin Vox dẫn lời nhà báo kỳ cựu David Streitfeld của tờ The New York Times - cây viết danh tiếng chuyên đánh giá sách suốt 20 năm qua - đã cảnh báo về vấn đề sách giả được bán tràn lan trên Amazon. “Rất nhiều sách giả bị in ấn cẩu thả, làm sai lệch thông tin nghiêm trọng. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến người đọc, mà còn gây tổn hại đến những đơn vị làm xuất bản như chúng tôi” - Scott Kelly, Phó chủ tịch Nhà xuất bản Antimicrobial Therapy cho biết.Amazon đã nhiều lần lên tiếng cam kết sẽ nỗ lực “hạn chế tối đa” sách lậu, nhưng công ty vẫn chưa thể đảm bảo quyền lợi cho các tác giả cũng như các nhà xuất bản. Những kẻ trục lợi tiếp tục lợi dụng những kẽ hở trong chính sách để bán sách lậu.
Không chỉ vậy, Amazon đang phải vật lộn trước tình trạng bị ăn cắp nội dung sách điện tử. Hàng loạt các tựa sách bán chạy nhất trên nền tảng bị chia sẻ một cách công khai trên các trang mạng xã hội. Thống kê từ đầu năm 2019 cho thấy, Amazon đã chịu thiệt hại lên đến hàng chục triệu đô la vì các đầu sách điện tử bị xâm phạm tác quyền trên mạng.
Trước những mối nguy gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành xuất bản, Amazon đã thay đổi thái độ.
… đến những hành động quyết liệt
Đầu năm 2019, Amazon “bắt tay” với những cây viết như John Grisham, Scott Turow, R.L. Stine, Sylvia Day và nhiều tác giả hàng đầu khác tại Mỹ, đệ đơn kiện lên tòa án thành phố Seattle, nhằm ngăn chặn một trong những trang điện tử bán sách giả lớn nhất thế giới - Kiss Library. Đây được xem là phát súng mở màn của Amazon trong quá trình đấu tranh chống lại nạn xâm phạm tác quyền.
Theo đánh giá của The New York Times, các trang điện tử buôn bán sách lậu đã ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của các nhà xuất bản và các tác giả. Ước tính con số thiệt hại có thể lên đến hàng trăm triệu đô la mỗi năm.
Từ tháng 2/2019, Amazon triển khai đơn vị phản ứng nhanh trên mạng, nhằm báo cáo và ngăn chặn hành vi vi phạm nội dung số. Cùng thời điểm, công ty cũng giới thiệu Project Zero, một chiến dịch với mục tiêu loại bỏ hoàn toàn những ấn phẩm giả trên Amazon.com. Chiến dịch này được triển khai rộng khắp toàn cầu, sẽ là một “vũ khí” đương đầu với vi phạm tác quyền.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc đứng về phía các tác giả sẽ giúp Amazon tạo dựng vị thế vững chắc trên thị trường xuất bản trong nhiều năm tới. “Đây là bước đi mạnh mẽ nhất mà Amazon thực hiện trong nhiều năm qua”- tờ The Verge nhận định. Ngoài ra, các sáng kiến khác của Amazon bao gồm sáng kiến “Minh bạch hóa", hứa hẹn sẽ loại bỏ những đầu sách giả đang được bày bán trên nền tảng này.
Tại Việt Nam, tình trạng sách giả bày bán tràn lan trên các nền tảng thương mại điện tử đang ngày càng nghiêm trọng; song, những chế tài xử phạt hành vi vi phạm vẫn chưa đủ sức răn đe. Đứng trước vấn đề này, một số đơn vị làm sách đã mạnh tay đưa ra các phương án xử lý nạn sách lậu.
Từ sau dịch COVID-19, Nhà xuất bản Kim Đồng đã thành lập đội phản ứng nhanh, giúp báo cáo tình trạng sách giả bị bán trên mạng và trên Facebook để có phương án xử lý hiệu quả. Tương tự, Công ty sách First News gần đây đã làm việc với Tiki để bước đầu hạn chế các gian hàng bán sách giả, sách lậu trên nền tảng này.
Link gốc