Sinh năm 1964 trong gia đình nghèo khó, bố là liệt sỹ, mẹ anh tảo tần nuôi những người con khôn lớn. Biết hoàn cảnh của gia đình như thế, anh cố gắng học nghề điện do Sở Quản lý điện Quảng Nam - Đà Nẵng đào tạo tại khu vực Liên Trì. Năm 1984, anh Trần Văn Nếp trở thành công nhân vận hành Nhà máy phát điện 387. Cẩn thận, ham học hỏi, nhiệt tình trong công tác, năm 1990 anh chính thức được kết nạp vào Đảng. Sau đó, kinh qua nhiều vị trí công tác như Tổ trưởng tổ đường dây & Trạm chi nhánh điện Khu vực 3 (Điện lực Sơn Trà bây giờ), rồi tổ phó tổ thi công công trình. Năm 2005, anh làm tổ trưởng tổ cấp điện mới đến nay.
Là tổ trưởng, khi triển khai các chỉ đạo, nhiệm vụ của cấp trên, anh luôn bàn bạc với anh em trong Tổ để tổ chức sản xuất hợp lý. Nhân lực không nhiều, khối lượng công việc lớn, trung bình mỗi năm gần 3.500 công trình cấp điện mới, thay đổi công suất, di dời công tơ và hơn 40 hạng mục công trình chống quá tải, xây dựng cơ bản, chỉnh trang đô thị của thành phố…đòi hỏi người tổ trưởng ấy phải luôn có kế hoạch phân công hợp lý, hiệu quả.
Để đáp ứng yêu cầu công việc, hàng ngày anh thường bố trí ít nhất 4 công nhân chia làm 2 nhóm thi công các công trình cấp mới, sữa chữa nhỏ đúng thời gian theo quy định, đảm bảo kỹ thuật, an toàn, mỹ quan. Các công nhân còn lại tham gia thi công các công trình lớn. Những lúc cao điểm, số lượng công trình tăng đột biến với hơn 50 công trình/ngày, anh lại linh động luân chuyển công nhân trong tổ hay tăng cường làm thêm ngày thứ bảy để việc không bị chậm tiến độ.
Tổ có khá nhiều công nhân mới, kinh nghiệm chưa nhiều, luôn được anh quan tâm đào tạo, kèm cặp. Anh thường sắp xếp lực lượng công nhân mới tập sự với anh em có tay nghề cao để học hỏi kinh nghiệm. Dần dần, những công nhân trẻ được thao tác tại trạm thực hành của Điện lực. Vốn chu đáo, cẩn thận nên công tác an toàn vẫn luôn được người tổ trưởng ấy đặt lên hàng đầu.
Anh Nếp (bên trái) luôn quan tâm đào tạo, kèm cặp các nhân viên mới. Nguồn ảnh: dnp.com.vn
|
Ngoài tuyên truyền, nhắc nhở tại các buổi họp, anh thường kiểm tra công cụ an toàn trước khi thi công. Đến hiện trường, anh vừa cẩn thận giám sát, chỉnh đốn kịp thời các sai sót, vi phạm an toàn lao động; vừa tham gia thi công. Nếu ai đó tình cờ bắt gặp hình ảnh một người thợ điện rám nắng, mái tóc muối tiêu xông xáo, miệng nói tay làm, không ngại xúc đất, không ngại kéo dây, trồng trụ… lăn xả cùng anh em công nhân trẻ thì đó ắt hẳn đó là tổ trưởng của chúng tôi.
Trong công việc hàng ngày, anh khi ân cần chỉ bảo, lúc dặn dò bảo ban, lắm khi lại rầy la anh em công nhân như cái kiểu ông bà vẫn bảo “Thương cho roi cho vọt”. Nhưng ngược lại, ở người tổ trưởng ấy cũng là sự quan tâm đến mỗi thành viên. Những công nhân có hoàn cảnh khó khăn luôn được anh quan tâm, san sẻ. Anh còn sắp xếp cho anh em được tham quan, du lịch ít nhất một lần/năm sau thời gian làm việc vất vả. Có lẽ, tình cảm ấm áp gần gũi ấy đã khiến không chỉ tôi mà hầu như mọi công nhân trong tổ, ai cũng xem anh như người thân trong gia đình.
Anh Nếp cũng là người tổ trưởng chuẩn mực, từ tốn trong phát ngôn mỗi khi giải đáp thắc mắc của khách hàng. “Dạ; anh/chị thông cảm; xin lỗi;..” đã trở thành những cụm từ quen thuộc mà tôi được thường xuyên lắng nghe khi anh giao tiếp với khách hàng dù là già hay trẻ, dù thắc mắc đó khó khăn như thế nào. Đối với anh, là nhân viên ngành điện phải luôn ghi nhớ “Khách hàng là sự tồn tại của chúng ta", vậy phải luôn có thái độ giao tiếp đúng mực với khách hàng”.
Trở về nhà, anh lại là người cha mẫu mực, người công dân tích cực tham gia các hoạt động của cộng đồng. Cứ đến dịp lễ tết, anh lại âm thầm gửi gạo, bánh trái và ít tiền giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn ở xung quanh. Hai con trai của anh, nối gót cha, cũng tiếp bước vào ngành điện và phấn đấu làm việc, học tập không ngừng.
Nhẩm tính, anh đã có 30 năm công tác trong ngành điện. Đó cũng là bấy nhiêu thời gian người tổ trưởng ấy tận tụy, say mê, hết mình với công việc, với lớp công nhân trẻ để định hướng những bước đi, hoài bão đầu tiên với ngành điện. Từ sự dìu dắt ban đầu ấy, nhiều công nhân sau thời gian công tác tại Tổ cấp điện mới đã được điều chuyển đến những đơn vị khác. Phần lớn trong số ấy đều trở thành những công nhân có tay nghề cao, tham gia các công tác xử lý sự cố lớn của Công ty hay Tổng công ty, có anh còn được nhận danh hiệu “Thợ giỏi” của Tập đoàn. Những cống hiến lặng thầm của anh đã được lãnh đạo các cấp ghi nhận.
Theo năm tháng, cùng thâm niên, vững chãi cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề, anh đã nhận được nhiều những danh hiệu cao quý như chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, bằng khen của UBND thành phố Đà Nẵng, của Tập đoàn điện lực Viêt Nam, giấy khen của Tổng Công ty Điện lực Miền Trung, của Công ty… Nhưng có lẽ, ấm áp nhất vẫn là tình cảm yêu quý của đồng nghiệp dành cho người tổ trưởng ấy.
Anh Huỳnh Văn Chèo - Phó giám đốc Điện lực Sơn Trà chia sẻ: “Dù ở bất cứ vị trí nào, anh Nếp cũng luôn nhiệt tình trong công tác, chịu khó học hỏi, sẵn sàng nhận những công việc đột xuất khó khăn của đơn vị.
Đặc biệt nhất, anh là người nhiệt tình trong việc bồi dưỡng đào tạo lực lượng trẻ, để họ có thêm những kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu công việc”. Giờ đây, ngày ngày anh vẫn miệt mài cùng công tác sản xuất, kinh doanh, miệt mài cùng niềm yêu nghề để có thêm những công trình mới được hoàn thành, những người công nhân trẻ được trưởng thành cùng nghề, mang ánh sáng lan tỏa khắp mọi nẻo đường của Thành phố.