Mất hai năm sáng lập ra Huffington Post, làm việc 18 giờ mỗi ngày đã trở thành "điều bình thường" đối với Huffington, nhưng rốt cuộc sự thiếu ngủ và kiệt sức đã "lên tiếng". Trở về nhà từ nơi làm việc, một buổi tối bà đã quỵ xuống trong phòng làm việc tại nhà, đầu đập xuống nền gạch. Bác sĩ đã phải thực hiện rất nhiều xét nghiệm và kiểm tra, nhưng không tìm được nguyên nhân gì khác ngoài việc bà bị kiệt sức.
“Theo định nghĩa chuyên nghiệp về thành công, tôi là một người thành công”, bà nói. “Nhưng theo một định nghĩa lành mạnh về sự thành công, nằm trong một vũng máu của chính bạn trên nền nhà thì đó không phải là thành công”.
Huffington giờ đây tin rằng những định nghĩa chuyên nghiệp về sự thành công - tiền bạc - quyền lực là một quan điểm rút ngắn sự tồn tại của con người. Họ đã bỏ qua cái mà bà cho rằng cũng là một thước đo quan trọng: Sức khỏe.
Bà đã "gạch chân" 4 cách để đạt được sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc:
1. Chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất
Hãy chăm sóc bản thân bạn giống như chăm sóc chính cái điện thoại thông minh của bạn.
Bạn quan tâm đến thiết bị cầm tay của bạn bởi đó là những thiết bị giúp bạn kết nối với thế giới. Nhưng liệu có nghĩa gì khi sạc pin cho điện thoại của bạn trong khi bạn chẳng có đủ năng lượng để xử lý thông tin mà chúng cung cấp.
Huffington cho rằng ngày nay người ta cổ vũ cho việc hy sinh sức khỏe vì công việc. Nhiều người thậm chí khoe chỉ ngủ ba tiếng một ngày – việc này chẳng khác gì ca ngợi một người đi làm trong trạng thái say rượu, bà so sánh.
Thay vào đó, bà khuyến khích mọi người ngủ đủ giấc. Bà trích dẫn lời của cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, người chỉ ngủ 5 tiếng một ngày như một dẫn chứng, ông nói: “Nguyên nhân của tất cả những sai sót lớn tôi mắc phải trong cuộc đời là do tôi quá mệt mỏi”.
Hình minh họa
|
2. Hãy nhìn vào sự khôn ngoan của thế giới cổ đại
Ngày nay, có rất nhiều chứng cứ khoa học cho thấy sự khôn ngoan của người cổ đại.
Những dữ liệu khoa học về thế giới cổ đại - từ dân tộc Ấn độ cổ cho đến những người Nhật Bản, người Hy Lạp hay La Mã cổ đại đều truyền tải một thông điệp chung, đó nhắc nhở ta sự hữu hạn của cuộc sống, bà nói. Huffington tin rằng từ xa xưa con người đã luôn quan tâm tới một cuộc sống lành mạnh và ngày nay, khoa học đã chứng minh được lợi ích của nó.
3. Hãy dừng lại để nắm bắt những kỳ quan của cuộc sống
“Chúng ta không biết tương lai sẽ đem đến cho ta điều gì. Chúng ta thường chọn cách vùi bản thân trong công việc, trong các biểu đồ, trong các kế hoạch và chúng ta giả vờ như chúng ta đang sống”, Huffington nói.
Đã đến lúc dừng lại để thưởng thức vẻ đẹp của cuộc sống. Chúng ta quên không làm điều đó thường xuyên, bởi vì tâm trí chúng ta bận rộn tiến lên phía trước và lo lắng cho tương lai, hoặc nhìn lại quá khứ và tự than thân trách phận.
4. Hãy hào phóng
Áp dụng những biện pháp giảm căng thẳng tại nơi làm việc không đơn thuần chỉ là một việc tốt nên làm, Huffingtion nói, mà nó còn mang lại nhiều lợi ích.
Bà đưa ra ví dụ về CEO của Aetna, Mark T. Bertolini, người đã khám phá ra những lợi ích của liệu pháp thiên nhiên, yoga, thiền sau một thời gian chữa bệnh do chấn thương trong một tai nạn trượt tuyết.
Bertolini quyết định áp dụng những điều học được cho nhân viên của ông và kết quả thật đáng kể. Sau 12 tháng thực hiện các liệu pháp giảm stress cho nhân viên, họ nhận thấy chi phí dành cho chăm sóc sức khỏe của công ty giảm xuống 7% và hiệu quả làm việc tăng thêm 69 phút/ngày
Huffington tin rằng đây là điểm đáng lưu ý khi mỗi người có trung bình 30.000 ngày để sống và “chơi trò chơi cuộc đời”.
“Cách chúng ta chơi phụ thuộc vào điều mà chúng ta trân trọng”, bà nói. “Và nếu chúng ta coi trọng tiền bạc, quyền lực, chúng ta sẽ chẳng bao giờ thấy đủ... Chỉ khi nào chúng ta biết coi trọng thước đo thứ ba của sự thành công – sức khỏe, chúng ta mới thực sự cảm thấy chúng ta đang sống đầy đủ và trọn vẹn”.