Một số cách thức giúp nhà lãnh đạo truyền cảm hứng cho nhân viên

Trong điều kiện môi trường kinh doanh thay đổi nhanh chóng như hiện nay, vai trò của nhà lãnh đạo trong doanh nghiệp càng trở nên quan trọng và đứng trước nhiều áp lực hơn bao giờ hết. Bên cạnh việc chèo lái con thuyền, việc truyền cảm hứng, sự nhiệt huyết để mỗi nhân viên cống hiến hết mình cho tổ chức là một trong những việc làm không thể thiếu ở nhà lãnh đạo tài năng.

Các doanh nghiệp đã tốn không ít tiền của và công sức để chiêu mộ đội ngũ nhân lực chất lượng cao với sự kỳ vọng lớn rằng họ sẽ chung tay, góp sức, có nhiều ý tưởng sáng tạo giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tại các doanh nghiệp tỉ lệ nhân viên “nhảy việc” ở mức cao…

Vậy nhà lãnh đạo cần phải làm gì để khơi dậy sự nhiệt huyết, quyết tâm gắn bó lâu dài của nhân viên với tổ chức? Dưới đây là một số cách thức giúp nhà lãnh đạo truyền cảm hứng để nhân viên có động lực làm việc hiệu quả và sẵn sàng cống hiến vì sự phát triển của doanh nghiệp.

Hình minh họa

1. Lãnh đạo xây dựng và truyền thông cho toàn thể nhân viên ý thức sâu sắc về các giá trị nền tảng của doanh nghiệp như: Tầm nhìn, mục tiêu, sứ mệnh, giá trị cốt lõi. Các mục tiêu và sứ mệnh của doanh nghiệp phải phù hợp với lợi ích của cá nhân và tập thể, các giá trị cốt lõi được thiết lập trên cơ sở tin cậy, cởi mở và tôn trọng mọi người. Đây là yếu tố quan trọng để thu hút và giữ chân người lao động. Mặt khác, lãnh đạo cần phổ biến rõ ràng và thuyết phục về mục tiêu của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, nhân viên sẽ xây dựng kế hoạch làm việc, có động lực, hứng thú hơn với mục tiêu của công ty và cố gắng đóng góp để đạt được.

2. Bản thân nhà lãnh đạo phải là người gương mẫu, có động cơ làm việc và sự đam mê, yêu thích công việc. Muốn truyền cảm hứng cho người khác, trước hết lãnh đạo phải truyền cảm hứng cho chính mình. Niềm đam mê trong công việc để có những ý tưởng sáng tạo, cách làm hay cùng hướng mọi nhân viên thực hiện là tài sản vô giá để tạo nên hứng thú cho nhân viên. Lãnh đạo cần biết cách sẵn sàng đón nhận khó khăn, sai lầm hay thất bại của bản thân và cấp dưới như một cách học hỏi để rút kinh nghiệm trong từng tình huống cụ thể, đồng thời sát cánh với nhân viên để khắc phục hậu quả.

3. Đảm bảo cơ chế tiền lương, các chế độ đãi ngộ và khen thưởng kịp thời: Tiền lương và các chế độ đãi ngộ khác là những yếu tố hết sức quan trọng bởi nó đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu của con người. Tiền lương không đơn thuần thể hiện giá trị công việc mà nó còn thể hiện giá trị bản thân người lao động và sự ghi nhận từ cấp trên. Chỉ khi nhà lãnh đạo xây dựng được cơ chế tiền lương và chế độ đãi ngộ  rõ ràng, tương xứng với sự cống hiến của nhân viên, họ sẽ có động lực để phấn đấu. Lãnh đạo cần biết ghi nhận và khen thưởng kịp thời mỗi khi cấp dưới nỗ lực, đạt kết quả tốt trong công việc hoặc có ý tưởng hay.

4. Công bằng trong đánh giá, khen thưởng và phân công công việc hợp lý. Mọi mâu thuẫn, bất đồng quan điểm, tạo dựng bè phái, thiếu trách nhiệm trong thực thi công việc… đều xuất phát từ cảm nhận không được cấp trên công bằng trong đánh giá kết quả lao động và trong phân công công việc. Muốn vậy, nhà lãnh đạo cần xây dựng cơ chế khen thưởng và bộ công cụ với các tiêu chí đánh giá kết quả lao động một cách công khai, minh bạch, khách quan hướng đến việc khuyến khích sự phấn đấu và cạnh tranh lành mạnh trong tổ chức. Đảm bảo phân công công việc hợp lý dựa trên năng lực và mức độ hoàn thành công việc của mỗi nhân viên.

Việc này đòi hỏi nhà lãnh đạo phải nắm được điểm mạnh, điểm yếu của từng nhân viên. Từ đó, giao việc cho nhân viên một cách thích hợp và đảm bảo rằng họ hiểu trách nhiệm của mình một cách rõ ràng. Khi nhân viên viên thấy thỏa mãn và tự hào về công việc, họ sẽ làm việc hiệu quả hơn, mang lại lợi ích lớn hơn và trung thành hơn.

5. Khen ngợi, tôn trọng và biết lắng nghe: Những lời khuyến khích, động viên, khen ngợi luôn là “liều thuốc đặc trị” hữu hiệu giúp nhân viên hứng khởi hơn trong công việc. Bất cứ mối quan hệ nào cũng phải được xây dựng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Thay vì sử dụng những lời lẽ mang tính áp đặt, mệnh lệnh, nhà lãnh đạo nên tạo ra các cuộc trao đổi với nhân viên bất cứ lúc nào có thể để hiểu cảm nhận của họ; chia sẻ các câu chuyện về tấm gương điển hình; tổ chức các cuộc gặp gỡ thân mật không chỉ trong phạm vi công việc; hạn chế câu nệ nghi thức hoặc tỏ ra uy quyền và giữ khoảng cách với nhân viên.

Thay vào đó, một nhà lãnh đạo giỏi có thể xuất hiện không thông báo trước ở các phòng ban, gặp trực tiếp nhân viên mà không thông qua chương trình nghị sự và tạo ra những cơ hội cộng tác với nhau giữa tất cả các cấp nhân viên trong doanh nghiệp. Nhà lãnh đạo cần biết lắng nghe sự bày tỏ khó khăn trong công việc và trong cuộc sống của nhân viên để có sự chia sẻ, động viên kịp thời.

6. Tạo cho nhân viên cơ hội thăng tiến và phát huy năng lực: Cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp là yếu tố quan trọng giúp nhân viên cảm thấy hạnh phúc và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Nhà lãnh đạo trong doanh nghiệp cần phải hoạch định được lộ trình thăng tiến để bản thân nhân viên đặt mục tiêu hướng tới. Đảm bảo rằng mọi cá nhân trong tổ chức hiểu được mục tiêu của công ty và nắm rõ kế hoạch làm việc và mục tiêu cá nhân. Nếu nhân viên không chắc chắn đích đến của mình, họ sẽ bất an và ít có động lực để vươn tới thành công.

Vì vậy, việc đặt ra mục đích, tạo ra mục tiêu, tiêu chuẩn cho nhân viên và cùng ngồi thảo luận về cách làm thế nào để đạt được mục tiêu đó sẽ giúp cho nhân viên cảm thấy đỡ áp lực, tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp trên hơn. Khi đó, họ sẽ cảm thấy có động lực hơn nếu họ làm việc trong một môi trường nơi họ được chia sẻ, được thử thách và có cơ hội để đổi mới.

7. Tạo ra sự gắn kết mối quan hệ giữa lãnh đạo với nhân viên và giữa các các nhân viên trong bầu không khí thoải mái tại môi trường làm việc: Mối quan hệ giữa lãnh đạo với nhân viên và giữa các đồng nghiệp với nhau luôn là yếu tố quan trọng giúp mang lại niềm hạnh phúc cho nhân viên. Việc cấp trên xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt với nhân viên có vai trò hết sức quan trọng, giúp cho nhân viên nhiệt tình và trách nhiệm hơn với công việc và gia tăng tự kiểm soát.

Đây là việc làm mà hầu hết lãnh đạo các doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng và coi đó như một nhiệm vụ cấp dưới phải thực hiện. Mặt khác, một trong những lý do khiến nhân viên thích làm việc hơn đó là sự gắn kết sâu sắc với đồng nghiệp tại nơi làm việc. Doanh nghiệp có thể khéo léo tạo ra các mối quan hệ cho các nhân viên bằng cách tạo môi trường cho họ làm việc theo nhóm thay vì làm việc cá nhân. Tổ chức các hoạt động vui chơi, các cuộc thi tài năng liên quan đến lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, các buổi dã ngoại… nhằm tạo không khí vui vẻ, gắn kết cho nhân viên, tạo dựng môi trường làm việc có tính tương tác cao.

8. Tin tưởng và bồi dưỡng phát triển nhân viên: Sự tin tưởng của nhà lãnh đạo với cấp dưới được thể hiện thông qua việc trao quyền. Trao quyền vừa giúp cấp dưới tự chủ trong công việc vừa thể hiện sự tin tưởng đối với cấp dưới và vừa bồi dưỡng cho nhân viên tính quyết đoán và óc tổ chức. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo cần đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo và đạo tạo lại phù hợp với năng lực của tổ chức. Lãnh đạo cần lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng những nhân viên có tiềm năng, đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho những cá nhân ham học hỏi, nỗ lực phấn đấu vì sự phát triển chung của doanh nghiệp.

Sự gắn bó, trung thành của người lao động luôn là mối quan tâm của các nhà lãnh đạo trong bất cứ doanh nghiệp nào. Sự gắn bó, trung thành với tổ chức thể hiện mức độ hài lòng với công việc và cuộc sống của người lao động và nó phải được bắt nguồn từ sự nỗ lực truyền cảm hứng của nhà lãnh đạo. Quản trị nguồn nhân lực trong doanh nghiệp thực sự là vô cùng khó khăn và phức tạp đòi hỏi nhà lãnh đạo phải hiểu được tâm lý người lao động và nghệ thuật sử dụng con người. Vì lẽ đó, sẽ là rất thiếu sót nếu nhà lãnh đạo không thực sự chú trọng tìm cách thức truyền cảm hứng cho nhân viên trong tổ chức.


  • 02/04/2014 02:58
  • TS Phạm Thị Tuyết - Học viện Ngân hàng
  • 3145


Gửi nhận xét