Nếu bạn phải làm việc với người mà bạn ghét, thực ra bạn không cô độc. Những người đáng ghét thường có những đặc điểm chung. Robert Sutton - giáo sư về khoa học quản lý tại Đại học Stanford cho rằng đây là một đặc điểm của xã hội con người. "Sẽ luôn có ai đó trong số họ hàng, bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp khiến bạn thấy khó chịu”, ông nói. Tránh gặp những người bạn ghét cũng có thể là một cách giúp bạn thoát khỏi phiền phức, song cách này không phải lúc nào cũng áp dụng được tại nơi làm việc.
Trong trường hợp đó, bạn có thể tham khảo một số cách dưới đây:
Kiểm soát phản ứng của bạn
Cảm giác khó chịu của bạn đối với một đồng nghiệp có thể chỉ là hơi không thích họ hoặc cũng có thể là ghét cay ghét đắng. Goleman, đồng giám đốc của tổ chức nghiên cứu về trí thông minh cảm xúc thuộc Đại học Rutgers, nói rằng bước đầu tiên là bạn phải kiểm soát được cảm xúc của mình. Ông gợi ý rằng nếu có ai đó gây khó chịu cho bạn, hãy đừng nghĩ tới hành động của người đó, hãy nghĩ tới cách mà bạn sẽ phản ứng với điều đó. Sẽ hiệu quả hơn nhiều khi bạn tập trung vào cách mà bạn phản ứng với cuộc sống vì bạn có thể điều khiển được nó. Bạn cũng có thể tập thiền hàng ngày. Thiền sẽ giúp bạn cải thiện khả năng kiểm soát cảm xúc và sẽ bớt ức chế với những kẻ gây khó chịu.
Hình minh họa
Hãy giữ cảm giác khó chịu cho riêng mình
Khi cảm thấy khó chịu với một người, hãy cố tránh không lôi kéo người khác vào chung cảm giác ấy với bạn. Đừng rì rầm một góc nào đó với đồng nghiệp: “Không hiểu sao tôi không thích Jessica, bạn có thấy như vậy không?”. Theo Sutton, chúng ta luôn có xu hướng tìm kiếm sự khẳng định từ người khác cho ý kiến của mình, và bạn nên tránh điều đó. Bởi vì cảm xúc có thể lây lan và bạn sẽ khiến người khác có thể bị lây cảm xúc tiêu cực từ bạn. Bên cạnh đó, việc phàn nàn về một đồng nghiệp trong văn phòng có thể có tác dụng ngược. Bạn có thể mang tiếng là thiếu chuyên nghiệp và khó tính. Nếu như bạn cảm thấy cần thổ lộ, hãy chọn người để chia sẻ một cách thận trọng, tốt nhất là ngoài nơi làm việc.
Hãy tự hỏi liệu đó có phải do chính bạn chứ không phải do đối phương
Khi bạn gắng kiểm soát phản ứng của mình thì hãy nghĩ về lý do khiến bạn không thích người kia. Có lý do gì đặc biệt khiến bạn khó chịu không? Hay chỉ đơn giản vì người ta khác bạn? Hoặc người đó khiến bạn nhớ tới một ai đó? Hoặc bạn mong muốn có được vị trí của người đó? Ghen tị hoặc những cảm xúc tiêu cực có thể khiến bạn đánh giá sai một người và cư xử không đúng với họ. “Khi ai đó giỏi hơn chúng ta, chúng ta thường có xu hướng ghen tị với họ. Sự khác biệt có thể khiến chúng ta thiếu công bằng. Người mà chúng ta yêu thích nhất trên thế giới này là bản thân chúng ta. Chúng ta có xu hướng không thích những người khác với mình, càng khác càng không thích”, Sutton nói. “Để hiểu rõ hơn điều gì khiến bạn khó chịu, có thể bạn cũng cần hiểu được cái sai của bạn trong đó”. Cũng là hợp lý khi đặt giả thuyết bạn cũng phải chịu trách nhiệm một phần cho những rắc rối phát sinh. Hãy trung thực với bản thân mình. Và nếu đi tới đâu bạn cũng gặp những người khiến bạn thấy khó chịu thì đó không phải là một dấu hiệu tốt.
Dành nhiều thời gian làm việc cùng với họ
“Một trong những cách tốt nhất để yêu quý người mà bạn ghét là làm việc cùng với họ. Điều này nghe có vẻ ngược đời nhưng một khi làm việc cùng nhau bạn sẽ hiểu người đó nhiều hơn và thậm chí có thể thông cảm với họ. Có thể bạn sẽ phát hiện ra lý do cho những hành vi gây khó chịu của họ: Khó khăn trong cuộc sống gia đình, áp lực từ cấp trên, hoặc đơn giản là họ đã cố gắng làm những điều bạn yêu cầu nhưng lại thất bại. Việc này có thể đem đến cho bạn những trải nghiệm tích cực. Tuy nhiên, nếu một người khiến bạn cảm thấy khó chịu vì những việc làm mà theo bạn là trái với lương tâm thì tốt hơn hết là tránh xa họ ra”, Sutton nói.
Cân nhắc tới việc trao đổi thẳng thắn
Nếu như tất cả những cách trên không hiệu quả, có thể bạn cần cân nhắc tới việc trao đổi thẳng thắn với đồng nghiệp. Nhiều khi bản thân họ không tự nhận thức được những nhược điểm của mình. Tất nhiên bạn không cần phải liệt kê hết tất cả những việc làm của người đó khiến bạn thấy khó chịu. Hãy tập trung vào những hành vi mà họ có thể kiểm soát và thay đổi được, đồng thời diễn đạt cụ thể lý do tại sao chúng gây ảnh hưởng không tốt tới bạn cũng như công việc của bạn. Rất có thể sự trao đổi của bạn giúp họ hiểu rõ bản thân hơn.
Tuy nhiên, hãy thận trọng, Goleman nói, việc quyết định có nói ra hay không “phụ thuộc vào nghệ thuật giao tiếp của bạn với vai trò là người đưa ra thông tin và phụ thuộc vào bản thân họ với vai trò là người tiếp nhận thông tin”. Nếu bạn cảm thấy đó là một người cởi mở và bạn có thể có một cuộc nói chuyện chân thành, lịch sự về các vấn đề trong công việc thì hãy từ từ chia sẻ. Còn nếu bạn ngờ rằng đó là một người hẹp hòi và sự trao đổi sẽ chỉ gây thêm những mâu thuẫn cá nhân thì không nên mạo hiểm. Bạn cũng cần đủ cởi mở để lắng nghe những góp ý về chính bạn. Một khi bạn không thích ai đó thì có nhiều khả năng người đó cũng không thích bạn.
Thái độ không quan tâm
Trong trường hợp bạn thực sự không tìm ra giải pháp, không thể trao đổi thẳng thắn, Suttons gợi ý “luyện tập thói quen không quan tâm”. Khi bạn không còn quan tâm tới những hành vi gây khó chịu của họ, bạn sẽ loại bỏ được những ảnh hưởng tiêu cực tới cảm xúc của bạn. Khi một người hành xử đáng ghét nhưng bạn không quan tâm tới anh ta nữa bạn sẽ không cảm thấy khó chịu. Giải pháp này có thể hiệu quả trong tình huống bạn không có cách nào khác để giải quyết vấn đề này.