Nếu chỉ sắp xếp nhân viên thành một nhóm thôi thì chưa đủ, điều quan trọng hơn là phải có những cách định hướng, quản trị cần thiết để họ làm việc với nhau một cách hiệu quả. Năm bí quyết dưới đây có thể giúp các nhà quản lý thực hiện điều này:
1. Tạo cho nhóm thẩm quyền để ra những quyết định quan trọng
Khi nhân viên toàn tâm toàn lực và gắn bó với công việc, nhà quản lý cũng có thể giải phóng khỏi những công việc hay quyết định nhỏ, riêng lẻ và dành thời gian để suy nghĩ những vấn đề quan trọng hơn hay mang tính chiến lược hơn. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là sếp buông lỏng nhân viên hoàn toàn. Các nhà quản lý vẫn nên làm việc gần gũi với các nhóm và đảm bảo rằng nhân viên đang chịu trách nhiệm chính cho các tiến triển và kết quả công việc của họ. Khi các thành viên của nhóm cảm thấy họ không có thẩm quyền nào và các quyết định luôn được đưa ra bởi sếp hay các nhà quản lý khác trong tổ chức, họ sẽ thu mình lại và không đưa ra những đề xuất, ý tưởng tốt nhất. Những nhóm làm việc hiệu quả nhất là những nhóm đang làm những công việc quan trọng của tổ chức và họ có thẩm quyền để ra các quyết định quan trọng.
2. Thử thách nhân viên bằng cách hỏi “Nếu… thì điều gì sẽ xảy ra?”
Nên khuyến khích nhân viên đặt ra những câu hỏi như vậy và cùng nhau xem xét chúng một cách nghiêm túc. Thảo luận về những tình huống hay kết quả tuy nghe có vẻ “xa xôi”, nhưng sẽ giúp nhân viên chuẩn bị tốt hơn trong tương lai khi phải đối diện với nhiều rủi ro hay yếu tố bất ngờ. Nên khuyến khích nhân viên ở tất cả các cấp tham gia vào những cuộc họp như thế. Đôi khi, những quan điểm, ý kiến từ các nhân viên có ít kinh nghiệm hơn sẽ giúp nhóm nảy sinh ra những vấn đề thú vị mà trước nay có thể đã bị bỏ quên.
3. Giải quyết những khác biệt
Để tạo ra một nhóm đoàn kết, cùng hướng đến một mục tiêu chung của tổ chức, nhà quản lý cần phải giải tỏa được những mối lo lắng, quan tâm của nhân viên. Việc một quyết định nào đó không được tất cả nhân viên nhất trí là điều khó tránh khỏi, nhưng quan trọng là không nên để những bất đồng như vậy trở thành những nhận thức tiêu cực kéo dài, làm ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc chung của nhóm.
Sếp nên giải thích cho nhân viên rằng họ không nhất thiết lúc nào cũng phải đồng ý về một vấn đề nào đó, nhưng họ phải biết cách chấp nhận quyết định chung của nhóm và cùng nhau tiến về phía trước. Mỗi thành viên của nhóm cần phải chịu trách nhiệm về kết quả chung khi thực hiện một quyết định nào đó của nhóm, ngay cả khi họ không phải là người ủng hộ cho quyết định ấy.
4. Thực hiện tốt việc trao trách nhiệm giải quyết công việc cho nhân viên
Chủ doanh nghiệp có thể bị sa vào thói quen tự ra mọi quyết định, dù nhỏ hay lớn, dù quan trọng nhiều hay ít. Các nhà quản lý làm việc cùng chủ doanh nghiệp cũng có thể đi theo lối mòn ấy. Điều này không chỉ làm lãng phí thời gian quý báu của các nhà quản trị mà còn làm cho doanh nghiệp mất cơ hội thu thập được những ý tưởng thông minh và ra các quyết định sáng suốt do chính nhân viên đề xuất.
Các nhà quản lý nên xem nhân viên như những nguồn giải pháp chính, trao quyền và trách nhiệm cho họ trong việc giải quyết chính các vấn đề mà họ đang gặp, bằng các ý tưởng mà họ đề xuất. Nhà quản lý cần phải có niềm tin rằng nhân viên thật sự hiểu những gì mà họ đang làm. Nếu điều này không đúng, xem như doanh nghiệp đã tuyển dụng không đúng nhân sự. Khi đã tuyển dụng đúng thì nhiệm vụ của nhà quản lý là theo dõi, hỗ trợ và giải đáp các thắc mắc cho nhân viên để giúp họ đi đúng hướng.
5. Hướng nhân viên đến sự thống nhất cao theo nhóm
Nhà quản lý nên thực hiện nhiều hoạt động khác nhau, trong đó các nhân viên của một nhóm cùng giải quyết một vấn đề quan trọng, cùng phát triển một số giải pháp và chia sẻ các ý tưởng với nhau. Từ những hoạt động này, sếp sẽ hướng dẫn nhân viên cùng nhau đi đến một thống nhất chung mà tất cả các thành viên trong nhóm đều chấp nhận. Nhân viên sẽ hiểu được tầm quan trọng của việc đưa ra những thỏa hiệp có lợi cho tập thể nhóm và cả công ty.