Bài học từ Coca-Cola và “cú hích” Việt hóa nhân sự cấp cao

Thay đổi nhận thức về chất xám và tay nghề của lao động tại chỗ chính là mục tiêu chính sách Việt hóa nhân sự cấp cao của Coca-Cola.

Thương hiệu Coca - Cola nổi tiếng toàn cầu

Đầu năm 2011, Tạ Duy Tùng chính thức được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc điều hành Chi nhánh miền Trung của Coca- Cola Việt Nam. Trong 6 năm đồng hành cùng Công ty, anh đã trải qua nhiều vị trí đầy thử thách như Giám đốc tiếp thị khu vực hay Giám đốc kinh doanh khu vực. Ban lãnh đạo Tập đoàn đánh giá, anh là một người am hiểu sâu sắc thị trường nước giải khát Việt Nam và có phong cách lãnh đạo luôn hướng đến kết quả cao nhất.

Địa phương hóa đội ngũ quản lý cấp cao đang là xu hướng thực hiện trong chính sách nhân sự của nhiều công ty đa quốc gia tại Việt Nam. Tuy nhiên, lộ trình thực hiện không hề đơn giản.

Cuối năm 2009, Coca-Cola tuyên bố đầu tư thêm 200 triệu USD vào Việt Nam trong vòng 3 năm, từ 2010-2012. Bên cạnh các kế hoạch tăng cường công suất sản xuất, mở rộng hoạt động maketing, phương tiện vận chuyển, trang thiết bị kinh doanh, việc đào tạo phát triển nhân lực cho địa phương cũng rất được Công ty quan tâm.

Cho đến thời điểm này, mô hình trên đang có một số tác động tích cực đến sự phát triển của Coca-Cola Việt Nam. Đa số thành viên trong Ban lãnh đạo Công ty hiện nay là người Việt. Mới đây nhất, nối tiếp Chi nhánh tại miền Nam, Chi nhánh miền Trung vừa "trình làng" một Ban giám đốc 100% người Việt.

Đà Nẵng, nơi Chi nhánh của Coca-Cola Việt Nam đặt văn phòng chính, được ví như vùng trũng lao động miền Trung. Tuy nhiên, nỗi lo lắng hàng đầu của các doanh nghiệp là chưa có nhiều nhân lực tại chỗ đủ năng lực đáp ứng nhu cầu thực hiện các dự án lớn.

"Chúng tôi muốn thay đổi nhận thức của các công ty đa quốc gia về chất xám và tay nghề của lao động Đà Nẵng cũng như của miền Trung", bà Lê Bảo Thoa - Giám đốc nhân sự toàn quốc của Coca-Cola Việt Nam nói. Theo bà, lao động miền Trung có phẩm chất cần cù, chịu khó học hỏi và quyết tâm trong công việc. "Chúng tôi tin thông qua thực tiễn và cơ hội nhận được, họ sẽ trưởng thành rất nhanh. Đó là điều đang được chứng minh tại Coca-Cola Việt Nam."

Hiện tổng số nhân sự tại miền Trung của Coca-Cola Việt Nam là 200 người, tăng gấp đôi so với cuối năm 2009. Công ty dự kiến tăng thêm 50% nhân sự tại khu vực này nhằm đảm bảo khả năng vận hành kinh doanh hiệu quả. Kế hoạch phát triển đến năm 2013 của Coca-Cola Việt Nam được kỳ vọng góp phần tạo ra "cú hích" cho sự phát triển kinh tế, xã hội khu vực miền Trung.

Theo các kết quả nghiên cứu độc lập, Coca-Cola đã tạo ra thêm 10 nghề phát sinh trong các ngành nguyên liệu, đóng gói, phân phối và bán lẻ, tính trên mỗi đầu lao động trực tiếp tại Công ty. Như vậy, với hơn 1.600 người lao động trực tiếp trên toàn quốc, Coca-Cola Việt Nam đang gián tiếp tạo ra hơn 16.000 việc làm tại nhiều địa phương.


  • 22/12/2011 04:03
  • Theo Nhịp Cầu Đầu Tư
  • 2918


Gửi nhận xét