Theo đó, triển lãm “Hiện vật Hoàng thành Thăng Long” được chính thức khai mạc vào hồi 15h cùng ngày tại Bảo tàng TPHCM (số 114 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Nghé, quận 1).
Một không gian Thăng Long - Hà Nội được tái hiện với khoảng 300 hình ảnh, bản đồ, bản vẽ, phim tư liệu và hiện vật, giới thiệu kinh đô Thăng Long - Hà Nội. Hoàng cung Thăng Long hiện lên qua các dấu tích nền móng kiến trúc, qua các di vật được phát lộ tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Bề dày lịch sử của Thăng Long - Hà Nội được minh chứng rõ nét qua dấu tích kiến trúc trong các tầng văn hóa qua các thời kỳ chồng xếp lên nhau, trải dài suốt 13 thế kỷ.
Những hiện vật Hoàng Thành Thăng Long được trưng bày tại bảo tàng. Ảnh: Tư liệu
|
Trưng bày “Hiện vật Hoàng thành Thăng Long” được sắp đặt, bài trí thẩm mĩ và khoa học với 3 nội dung trưng bày chính.
Chủ đề 1: Giới thiệu về Kinh đô Thăng Long - Hà Nội và khu di sản Hoàng thành Thăng Long, trưng bày khoảng 100 hình ảnh, bản đồ và phim tư liệu giới thiệu một cách khái quát, tổng thể nhất kinh đô Thăng Long - Hà Nội và khu di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long qua các thời kỳ lịch sử.
Chủ đề 2: Vật liệu xây dựng Hoàng thành Thăng Long: Giới thiệu hơn 150 hình ảnh, bản vẽ, bài viết và hiện vật vật liệu kiến trúc tiêu biểu, chủ đề này giới thiệu một số đặc điểm kiến trúc, hình dáng, quy mô, vật liệu xây dựng, kỹ thuật xây dựng và các diễn biến kiến trúc, qua đó có thể hiểu được phần nào trình độ kinh tế - xã hội, trình độ văn hóa, văn minh Việt Nam thời xưa.
Chủ đề 3: Đồ gốm sinh hoạt trong Hoàng thành Thăng Long với 20 hình ảnh, bản vẽ và một số hiện vật đồ gốm tiêu biểu. Chủ đề giới thiệu về các loại gốm khác nhau, về hoa văn trang trí, kỹ thuật chế tạo, mỹ thuật và phong cách thể hiện đời sống hoàng cung thông qua những đồ gốm cao cấp là để trực tiếp phục vụ sinh hoạt của hoàng đế, hoàng gia và triều đình.