Chủ tịch Intel, Andy Bryant: năm nay 65 tuổi, ông đã có tới 34 năm làm việc cho tập đoàn này (nguồn ảnh: internet)
|
Trước khi trở thành Chủ tịch Intel, Bryant đã có kinh nghiệm làm việc trong rất nhiều vị trí tại Intel, từ cấp Trưởng phòng cho tới Giám đốc Tài chính (CFO) và Giám đốc Hành chính (CAO), rồi trở thành Phó Chủ tịch phụ trách mảng công nghệ và sản xuất.
Với phong cách điềm tĩnh và đầy kiên nhẫn, cộng thêm tư duy đầy sắc sảo, Bryant luôn được các đời CEO của Intel xem là cột trụ giúp tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới vượt qua những thời khắc khó khăn nhất.
Hãy sống cởi mở và chân thành
Với nhiều năm kinh nghiệm ở cấp độ quản lý tầm trung (middle manager), Bryant thường xuyên phải giải đáp các thắc mắc của nhân viên về những quyết định của lãnh đạo cấp cao, đặc biệt là trong các trường hợp mà họ nghĩ rằng chính ông mới là người có thể làm được tốt hơn.
Trong những tình huống như thế, Bryant đã xử lý như sau: "Tôi muốn cho bạn 2 câu trả lời. Đầu tiên, tôi sẽ cho bạn biết là nếu tôi ở vị trí lãnh đạo, tôi sẽ làm gì và tại sao tôi làm như thế. Thứ hai, tôi cũng sẽ cho bạn hiểu luôn là tại sao lãnh đạo của chúng ta lại đưa ra những quyết định mà bạn đang thấy thắc mắc. Tôi không biết là ai đúng ai sai trong trường hợp này, nhưng tôi muốn cho bạn hiểu rằng ban lãnh đạo đã được trao quyền để ra quyết định, và đó là một quyết định có cơ sở nhất định. Công việc chính của chúng ta giờ đây là mang lại kết quả tối ưu nhất từ quyết định đó".
Bằng cách giữ thái độ cởi mở và chân thành, nhà quản lý có thể giải tỏa được các tâm trạng hoang mang hay nghi ngờ nơi nhân viên, và từ đó giúp cho họ chuyển sang tập trung vào những việc quan trọng cũng như giữ chân họ ở lại công ty.
Đối với nhiều nhà quản lý, khâu đánh giá năng lực nhân viên chỉ dừng lại ở việc thông báo "bạn đã làm được 4 việc này trong năm nay, đây là 4 việc bạn cần làm trong năm tới". Với tiêu chí cởi mở và chân thành của mình, Bryant đã lựa chọn một cách làm hoàn toàn khác hẳn: "Tôi muốn giúp bạn phát triển năng lực của mình. Để giúp đỡ được bạn, tôi muốn biết mục tiêu sự nghiệp của bạn là gì. Ngay cả nếu như bạn muốn rời Intel để chuyển sang làm sếp ở một công ty nhỏ hơn, tôi cũng sẽ sẵn sàng giúp. Chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận về những kỹ năng bạn đang có và chưa có, và tôi sẽ cho bạn biết là tôi muốn bạn phát triển thêm những kỹ năng nào trong thời gian bạn còn làm việc ở đây".
Theo Bryant, điều quan trọng nhất trong việc quản lý năng lực của nhân viên là hỗ trợ cho họ làm việc ngày một tốt hơn, chứ không phải là tập trung vào việc họ đã làm gì và cần phải làm gì.
Hãy lựa chọn công việc mà mình đam mê
Trong nhiều năm ở Intel, Bryant thường được rất nhiều đồng nghiệp tìm đến để xin ý kiến tư vấn về con đường sự nghiệp của họ. Một trong những câu hỏi mà ông hay gặp nhất là: "Tôi vừa nhận được 2 đề nghị cất nhắc vào 2 vị trí khác nhau. Tôi rất muốn làm vị trí A, nhưng vị trí B thì lại có tiềm năng thăng tiến nhiều hơn. Tôi nên lựa vị trí nào?"
Trong những trường hợp đó, Bryant cho biết ông luôn thẳng thắn trả lời họ như sau: "Một trong những điều quan trọng nhất mà tôi học được là nếu như bạn phải làm công việc mà bạn không thực sự ham muốn, thì điều đó sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới chất lượng công việc. Bạn nên làm việc mà bạn thực sự muốn làm thay vì làm việc mà bạn thấy là bị người khác yêu cầu phải làm". Đây cũng chính là điều mà Bryant luôn nhắc nhở các ứng viên xin việc vào Intel, để bảo đảm là họ thực sự muốn gắn bó lâu dài và đạt được hiệu quả công việc tại Tập đoàn.
Bằng cách giữ thái độ cởi mở và chân thành xuyên suốt các công đoạn từ việc phỏng vấn và tuyển dụng cho tới quản lý và đánh giá, nhà quản trị chắc chắn sẽ dễ dàng thành công trong việc giữ chân người tài và nâng cao năng lực cho đội ngũ của mình.