1. Làm việc một cách tích cực
Việc đầu tiên và quan trọng nhất bạn nên làm đó là luôn sẵn sàng trước mọi nhiệm vụ và làm những gì bạn nói mình sẽ làm. Nguyên tắc này nghe có vẻ đơn giản nhưng việc chú ý vào những điều cơ bản nhất chính là nền tảng để tạo được ấn tượng tốt. Nếu bạn không thể thực hiện được việc này những thứ khác cũng sẽ chẳng mấy ý nghĩa.
2. Nắm bắt diễn biến các công việc xung quanh
Ngay cả khi nhiệm vụ bạn được giao là rất nhỏ, hãy tranh thủ mọi cơ hội có thể để thu thập, tìm hiểu thêm về lĩnh vực của mình cũng như toàn bộ việc kinh doanh của công ty. Nếu có thể nắm bắt được những thứ không trực tiếp liên quan đến mình, bạn sẽ nâng cao được hiểu biết của bản thân và từ đó nâng tầm giá trị của mình.
3. Xác định thật rõ ràng về các mục tiêu ưu tiên
Công việc sẽ có rất nhiều nhưng để tạo được ấn tượng tốt bạn cần phải biết đặt ra những mục tiêu cần ưu tiên hoàn thành trong tuần, tháng hoặc năm nay và tập trung sức lực vào đó. Đừng bao giờ mất thời gian vì những vấn đề ít quan trọng chỉ bởi chúng dễ thực hiện hay thú vị hơn. Đó chính là sự khác biệt giữa việc gặt hái được nhiều thành công hay chỉ có những thành tích làng nhàng.
4. Lưu ý mỗi khi phạm sai lầm
Là người còn ít kinh nghiệm, việc bạn phạm phải sai sót trong công việc là không thể tránh. Điều quan trọng là bạn học được gì từ những sai lầm ấy. Muốn vậy, hãy lưu ý không chỉ những sai sót của bản thân mà cả của những người xung quanh bởi đó có thể là cơ hội học hỏi tuyệt vời.
Khi phạm sai lầm đừng chỉ dừng lại ở việc tìm cách khắc phục cho xong mà thay vào đó, hãy dành thời gian suy nghĩ xem vì sao mình lại mắc lỗi đó và cần làm gì để tránh lặp lại. Nếu làm được vậy bạn đã tự trang bị cho mình kỹ năng làm việc tốt hơn trong tương lai.
5. Chú ý tới các câu hỏi của sếp
Bằng việc để ý những câu hỏi sếp đặt ra hoặc những vấn đề đang khiến sếp bận tâm, bạn có thể rút ra được những thông điệp lớn hơn về những điều họ sẽ để ý trong tương lai. Và một khi bạn đã học được cách để tiên liệu trước những vấn đề ngay từ khi sếp chưa hỏi, rõ ràng giá trị của bạn đã được nâng lên một tầm mới.
6. Chủ động xin ý kiến góp ý
Hãy chủ động xin ý kiến phản hồi từ cấp quản lý về những việc gì bạn đang làm tốt hoặc việc gì có thể làm tốt hơn. Đôi lúc những phản hồi có tính phê bình sẽ khiến bạn khó chịu nhưng đó lại chính là những điều hữu ích hơn cả bởi nó giúp bạn tiến bộ.
7. Hãy chú ý tới những người bạn kính trọng
Bạn nể phục người đó vì chuyên môn, khả năng giao tiếp hay độ nhanh nhạy trong xử lý những công việc khó khăn? Hãy để ý xem họ làm được những việc đó như thế nào để sau này bạn cũng có thể làm được. Và khi bạn không khâm phục ai đó, cũng thử suy nghĩ xem vì sao. Bằng cách này bạn sẽ tự nhận ra rất nhiều điều về việc bạn muốn là người thế nào nơi công sở.
8. Tìm một “quân sư” tại cơ quan
Đây không nhất thiết phải là một “quân sư” thực sự như nghĩa đen của từ này mà chỉ đơn giản là một đồng nghiệp giàu kinh nghiệm hơn, một người bạn có thể dễ dàng trò chuyện cởi mở. Việc nói chuyện thường xuyên với một người có kinh nghiệm sẽ giúp bạn có cái nhìn bao quát hơn về đời sống công sở hay còn gọi là văn hóa của doanh nghiệp. Và nó sẽ giúp bạn dễ dàng vượt qua những tình huống khó khăn để thành công nhanh hơn.