CEO đầu tiên của Netflix: Nhờ nhịn đói đến tìm ra cách làm nên đế chế 260 tỷ USD

"Khi đã lang thang trên đường để xin 25 xu như tôi, việc đề nghị ai đó đầu tư 25.000 USD sẽ không khó khăn như bạn nghĩ", Marc Randolph cho biết.

Marc Randolph - CEO đầu tiên của Netflix.

Nếu muốn thứ gì đó, hãy nói ra

Khi vừa tốt nghiệp đại học, Randolph đã tham gia một nhóm điều hành các hoạt động ở vùng hoang dã dành cho những thanh niên đam mê khám phá. Trước khi chương trình bắt đầu mỗi người phải vượt qua một thử thách nhất định.

Thử thách của Randolph là bị "thả" ở Hartford (Connecticut), không có tiền, giấy tờ tùy thân, điện thoại với yêu cầu sống sót trong ba ngày.

Sau khi nhịn đói trong ngày đầu tiên, ông buộc phải xin tiền những người đi đường để mua đồ ăn. Điều này đã dạy cho ông bài học quan trọng mà sau này ông áp dụng trong quá trình kinh doanh: Nếu muốn thứ gì đó, hãy nói ra.

"Khi là doanh nhân, bạn cần yêu cầu, đề nghị rất nhiều. Không phải lúc nào yêu cầu của bạn cũng được đáp ứng. Nhưng khi đã lang thang trên đường phố để xin 25 xu, việc đề nghị ai đó đầu tư 25.000 USD sẽ không khó khăn như bạn nghĩ".

Randolph cũng không ngần ngại đặt câu hỏi khi còn là nhân viên. Một trong những công việc đầu tiên của ông là tại công ty xuất bản âm nhạc Cherry Lane. Khi thấy bộ phận đặt hàng qua email hoạt động không hiệu quả, ông đã mạnh dạn xin cấp trên để được điều hành bộ phận đó.

Điều này cho phép ông thử nghiệm nhiều chiến lược marketing khác nhau liên quan đến cá nhân hóa bằng cách sử dụng cơ sở dữ liệu khác hàng của công ty. Sau một thời gian, ông đã trở thành chuyên gia về marketing qua email.

Randolph nói rằng việc chủ động xin quản lý mảng đặt hàng qua email tại Cherry Lane đã giúp ích rất nhiều trong một số thành công sau này của ông tại Netflix.

100 ý tưởng tồi dẫn đến 1 ý tưởng tốt

Năm 1997, Randolph đi chung xe với Reed Hastings (sau này là đồng sáng lập Netflix) từ Santa Cruz đến văn phòng Pure Atria ở Thung lũng Silicon, nơi cả hai cùng làm việc.

Trong chuyến đi, Randolph thường nói về các ý tưởng kinh doanh mới cho Hastings. Tiêu chí chính mà Randolph đưa ra cho bất kỳ ý tưởng nào là "có thể bán trên Internet và có thể cá nhân hóa".

Randolph thừa nhận rằng ông đã có rất nhiều ý tưởng khác nhau, nhưng hầu hết đều "rất tệ". Từ thức ăn cho thú cưng, gậy bóng chày, dầu gội đầu, ván lướt sóng… tất cả đều có thể tùy chỉnh theo từng khách hàng. Miễn là có yếu tố "tùy chỉnh", ông đều giới thiệu với Hastings.

"Khi thử nghiệm một thứ gì đó nhưng không hiệu quả, tôi không coi là thảm họa. Nó chỉ có nghĩa là thứ đó không hoạt động và tôi cần thử cái khác", Randolph nói.

Ngay cả khi Netflix ra đời, Randolph vẫn thử những ý tưởng mà mọi người nói với ông rằng sẽ không thành công. Doanh nhân này chưa bao giờ sợ thất bại. Vì vậy, ông khuyên mọi người nên thử thực hiện ý tưởng của mình, dù nó có thành công hay không.

Doanh nghiệp nào cũng cần may mắn

Ngay cả khi thành công rực rỡ, Randolph vẫn rất khiêm tốn. Ông nói một phần thành công của Netflix là do may mắn và cho rằng tất cả các doanh nghiệp đều cần điều này.

Trên thực tế, Netflix ra đời nhờ một sự "may mắn".

Hastings cuối cùng cũng đồng ý rằng Randolph có một ý tưởng khả thi: cho thuê đĩa DVD qua đường bưu điện. Họ phấn khích với ý tưởng này đến nỗi đã dừng xe lại giữa đường để thử nghiệm ngay bằng cách mua một đĩa CD cũ (vì không tìm được đĩa DVD), cho vào phong bì đựng thiệp chúc mừng và gửi về nhà Hastings qua đường bưu điện.

Hôm sau, chiếc đĩa đã có mặt trong hộp thư của nhà Hastings, nguyên vẹn, đến nơi trong vòng 24 giờ. Nếu việc giao hàng không thành công, ví dụ chiếc đĩa bị vỡ hay thất lạc, có lẽ Hastings và Randolph sẽ dừng ngay dự án này lại và sẽ không có Netflix như ngày nay.

Link gốc.


  • 24/09/2021 02:13
  • Nguồn: https://cafef.vn/
  • 2806