Cách tạo ra một nền văn hóa doanh nghiệp tích cực

Xây dựng một nền văn hóa doanh nghiệp tích cực, không chỉ giúp cho các nhà quản lý điều hành doanh nghiệp dễ dàng, hiệu quả, mà còn tạo ra sự gắn kết và động lực phấn đấu cho các thành viên của doanh nghiệp đó.

Xác định văn hóa phù hợp cho doanh nghiệp

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp có thể được coi như cách một doanh nghiệp xác định và nắm bắt những gì là quan trọng, nhằm đảm bảo sự phát triển thành công của doanh nghiệp.

Ở góc độ nào đó, văn hóa doanh nghiệp còn là cấu thành và công cụ quản lý quan trọng của doanh nghiệp. Thông qua xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ định hướng và điều chỉnh tư duy, hành động của các thành viên, cũng như các đối tác của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp càng mở rộng quy mô, thì vai trò của văn hóa doanh nghiệp càng trở lên quan trọng. Lúc này, doanh nghiệp cần triển khai phân cấp, phân quyền và văn hóa doanh nghiệp sẽ trở thành chất kết dính toàn bộ hệ thống.

VHDN cần được viết thành tài liệu để nhân viên có thể tiếp cận được (ảnh minh họa)

Bước đầu tiên để hình thành nên văn hóa doanh nghiệp là, các doanh nghiệp cần xác định rõ những gì làm cơ sở đối với văn hóa doanh nghiệp mình. Một số yếu tố bao gồm: Mục tiêu, định hướng hoạt động của doanh nghiệp; quan điểm về đạo đức kinh doanh; phương thức tổ chức hoạt động; đề cao giá trị của con người, đặt con người vào vị trí trung tâm trong toàn bộ mối quan hệ ứng xử trong doanh nghiệp… Chính những yếu tố này sẽ tạo nên cốt lõi của triết lý văn hóa doanh nghiệp thông qua các nhóm: Yếu tố giá trị, yếu tố chuẩn mực, yếu tố không khí và phong cách quản lý của doanh nghiệp, yếu tố hữu hình 

Ngoài ra, có ba lĩnh vực khác để xem xét khi phác thảo văn hóa một doanh nghiệp là:  

* Quản lý xung đột: Thiết lập các nguyên tắc cơ bản cho bất đồng giữa các nhân viên được xử lý như thế nào. Giải quyết xung đột một cách xây dựng, chứ không phải là né tránh, duy trì một nền văn hóa tôn trọng lẫn nhau và hoạt động một cách chuyên nghiệp.

* Hài hòa giữa quyền lợi và nghĩa vụ: Đề ra những nguyên tắc và nhiệm vụ cho nhân viên, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm tới việc đảm bảo những quyền lợi cho người lao động, có như thế mới khuyến khích họ hoàn thành nhiệm vụ được giao với năng suất cao và chất lượng tốt.

* Khuyến khích sự sáng tạo: Việc bằng lòng với hiện tại có thể tạo ra sức ỳ đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong thời kỳ kinh tế có nhiều biến động. Vì thế, các doanh nghiệp cần khuyến khích nhân viên luôn suy nghĩ, sáng tạo ra các ý tưởng mới trong mọi hoạt động, nhằm đem lại hiệu suất công việc cao.

Các yếu tố quan trọng, là cơ sở cho văn hóa doanh nghiệp cũng cần được viết thành tài liệu để các phòng ban cũng như toàn thể nhân viên có thể tiếp tiếp thu và triển khai. Văn hóa doanh nghiệp sẽ được áp dụng thống nhất trong công ty, nhằm tạo ra một môi trường hỗ trợ nuôi dưỡng sự phát triển của cá nhân và tổ chức.

Thực hiện văn hóa doanh nghiệp ở cấp độ một tổ chức

Văn hóa doanh nghiệp phải được bắt đầu từ tầm nhìn chiến lược của người  lãnh đạo cao nhất. Sau đó, lãnh đạo sẽ truyền đạt rõ ràng ý tưởng và mô hình cho các phòng ban liên quan.

Tiếp theo, các cấp quản lý sẽ triệu tập các cuộc họp để thảo luận về các mục tiêu đề ra. Trong những cuộc thảo luận này, nhân viên đóng một vai trò quan trọng khi chỉ ra cần đạt được các mục tiêu này như thế nào. Bằng cách làm như vậy, đồng nghĩa với việc các nhà quản lý đã khuyến khích và đề cao trách nhiệm tập thể của công ty. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp tạo được sự đồng thuận của nhân viên nhiều bao nhiêu, thì khả năng tạo ra một nền văn hóa doanh nghiệp tích cực cao bấy nhiêu.

Thực hiện văn hóa doanh nghiệp ở cấp độ nhóm

Làm việc theo nhóm là cần thiết để duy trì một bầu không khí tích cực và hiệu quả. Sự kết hợp nhóm trong công việc sẽ giúp tạo ra năng suất cao hơn hẳn kết quả của một cá nhân đạt được.

Xây dựng nhóm phần lớn là dựa trên sự tin tưởng giữa các cá nhân. Sự tin tưởng đạt được trên cơ sở mỗi cá nhân đều thấm nhuần trách nhiệm của mình đối với công việc chung, điều đó cũng giúp họ hiểu rằng những nỗ lực của họ có giá trị.

Làm việc nhóm cũng là một trong những môi trường các nhân viên cảm thấy dân chủ, bởi lẽ, họ có thể công khai tranh luận những chủ đề quan trọng với cấp trên, mà không bị soi mói, trù dập. Môi trường này còn khuyến khích nhân viên bộc lộ rõ nét ở cả hai khía cạnh tích cực và tiêu cực. Ví dụ, nhân viên sẽ cảm thấy thoải mái khi mình hoặc đồng nghiệp được khen ngợi hoàn thành nhiệm vụ và ngược lại. Một khi niềm tin này được thiết lập, làm việc theo nhóm có thể đem lại thành công rất lớn trong phát triển văn hóa doanh nghiệp, cũng như trong các hoạt động có quy mô và tính hệ thống cao.

Thực hiện văn hóa doanh nghiệp ở cấp độ cá nhân

Nên thường xuyên trao đổi, nhắc nhở từng cá nhân (ảnh minh họa)

Về cơ bản, khi nhân viên nhận thức được rằng, mỗi cá nhân là rất quan trọng cho sự thành công của doanh nghiệp, họ sẽ có động lực để phấn đấu. Một số biện pháp sau có thể động viên nhân viên làm việc, tạo ra bầu không khí chung mà nhiều người hướng tới.

Trước hết, cấp quản lý nên thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với nhân viên công ty, nhắc nhở họ về vai trò và trách nhiệm (dù lớn hay nhỏ). Điều này tạo ra cảm giác mỗi cá nhân là rất quan trọng cho sự thành công của doanh nghiệp. Trong các cuộc họp, người phụ trách cũng cần đánh giá đúng những điểm mạnh của nhân viên, để phân công nhiệm vụ và tạo điều kiện cho họ phát huy công việc đúng sở trường.

Thứ hai, công nhận và biểu dương những việc làm phù hợp với văn hóa doanh nghiệp của nhân viên thông qua sự khen ngợi, tiền thưởng, thậm chí là cơ hội thăng tiến.

Một điều rất quan trọng là chính các nhà quản lý phải tư duy thấu đáo rằng, nhân viên chính là tài sản quan trọng trong việc thực hiện và duy trì văn hóa doanh nghiệp. Vì vậy, “bạn cần làm những điều tốt nhất có thể, để khẳng định nguồn tài nguyên có giá trị đó, chính là nhân viên của bạn” (Sattler & Mullen).

 


  • 26/04/2012 02:39
  • Trùng Dương (biên dịch, theo Humanresources.about.com)
  • 5070


Gửi nhận xét