Cảm nhận về văn hóa ứng xử ở Mỹ

Ăn xin cũng có văn hóa ứng xử của người ăn xin. Họ không bao giờ đeo bám, kể lể hay chìa tay trước mặt người đi đường, mà thường đứng ở ngã tư đông người giơ tấm biển "Cần giúp đỡ" - Hãy cảm nhận văn hóa ứng xử kiểu Mỹ.

(Ảnh minh họa)

- Văn hóa ứng xử nơi công cộng: Tiếng xin lỗi và lời cám ơn luôn được sử dụng nơi công cộng như siêu thị, nhà hàng, xe buýt... Khi lên xuống xe buýt, hành khách chào tài xế và ngược lại. Khi vào cửa bất cứ nơi nào, người đi trước đứng lại giữ cửa cho người đi sau bước vào và người đi sau luôn nói tiếng cám ơn. Khi có sự cố va chạm xảy ra thì lời xin lỗi luôn được vui vẻ chấp nhận.

- Văn hoá ứng xử trong giao thông: Không có chuyện phóng nhanh, giành đường, vượt ẩu trên đường. Mọi người chấp hành luật giao thông như là một nét văn hóa của người lái xe. Đặc biệt ở ngã tư khi đèn tín hiệu giao thông bất ngờ trục trặc không hoạt động hay báo hiệu không đúng, thì mọi người nhường nhau, mỗi chiều di chuyển khoảng 4 - 5 chiếc sau đó tự động nhường đường cho chiều kia đi, 4 - 5 chiếc cứ thế lần lượt mà đi, không xảy ra kẹt xe dù không có cảnh sát ở đó.

Những con đường nội bộ trong siêu thị, khu mua sắm, khu dân cư khi gặp người đi bộ băng ngang qua thì tất cả lái xe phải dừng lại nhường đường sau đó mới chạy tiếp. Xe hơi chạy rất nhiều trên đường cũng như trong trung tâm thành phố, nhưng không có nhiều tiếng còi xe. Giữa đêm khuya vắng vẻ không có chiếc xe nào qua lại, nhưng người lái xe vẫn chờ đèn xanh ở ngã tư bật sáng lên rồi mới tiếp tục chạy.

- Văn hóa ứng xử nơi công sở, bệnh viện: Khi đến công sở, điều đầu tiên bạn nhận được là lời chào hỏi của nhân viên. Họ hỏi bạn có cần được giúp không, sau đó rất vui vẻ giải quyết công việc cho bạn đến khi xong và không quên chúc bạn có một ngày tốt đẹp. Trong bệnh viện, khi bạn đến, nhân viên hành chính nhanh chóng làm các thủ tục, các cô y tá niềm nở đón bạn vào phòng chờ, sau đó mời bác sĩ đến khám bệnh cho bạn. Các bác sĩ khám bệnh rất tận tình, nói chuyện nhỏ nhẹ với người bệnh. Sự lịch thiệp, chu đáo trong ứng xử  với bệnh nhân khiến bạn cảm thấy bệnh tình cũng được thuyên giảm phần nào.

- Văn hoá ứng xử trong mua sắm: Hàng hóa bạn mua được đổi hay trả lại trong vòng một tháng sau khi sử dụng, nếu bạn cảm thấy không thích nữa (không cần sản phẩm bị hư hay trục trặc) và người bán vui vẻ nhận lại. Tại mỗi nơi mua sắm đều có một quầy chuyên nhận lại hàng hoá đã bán mà khách đem trả lại, mọi người đều vui vẻ, không có tiếng cãi vã giữa người mua và người bán.

- Văn hoá ứng xử với người tàn tật: Tất cả xe buýt công cộng đều thiết kế bộ phận nâng và hạ người ngồi trên xe lăn lên xuống,  trên xe có chỗ dành riêng cho họ và được mọi người nhường cho đi lên hay xuống trước. Tại các bãi đậu xe đều có nơi đậu xe hơi riêng của người tàn tật. Các siêu thị có loại xe đặc biệt giúp họ di chuyển lựa chọn hàng hóa trong siêu thị. Trong thiết kế đường sá ở Mỹ, các vỉa hè đều có độ dốc thoai thoải với mặt đường tại các giao lộ ngã ba hay ngã tư, để người tàn tật ngồi xe lăn tự mình điều khiển lên xuống vỉa hè dễ dàng. Do đó, họ có thể đi dạo phố một mình như người bình thường. Nhìn chung người tàn tật ở Mỹ được xã hội quan tâm giúp đỡ và hoà nhập tốt với cộng đồng.

Thậm chí, ăn xin cũng có văn hóa ứng xử của người ăn xin, họ không bao giờ đeo bám, kể lể hay chìa tay trước mặt người đi đường. Thỉnh thoảng tôi thấy họ thường đứng ở ngã tư có đèn giao thông, nơi xe cộ hay dừng lại và cầm tấm bảng nhỏ ghi chữ "Cần giúp đỡ", hay ngồi một chỗ xin nơi có đông người qua lại mà không làm phiền ai cả (cũng xin nói thêm họ thường là những người thất nghiệp hoặc là những người nát rượu).

Văn hóa ứng xử tuy không có gì cao siêu, rất giản dị và bình thường, nhưng nó góp phần làm cho con người đối xử với nhau tốt đẹp hơn.


  • 01/09/2011 03:57
  • Theo Vnexpress
  • 2969


Gửi nhận xét