Câu chuyện về người thầy “không chuyên”

Sự phát triển của Công ty Điện lực Đắk Lắk ngày hôm nay được vun đắp từ công sức xây dựng của những người đi trước. Họ đã truyền dạy cho chúng tôi – thế hệ nối tiếp - những kiến thức thực tiễn mà không trường học nào có được. Một trong những người thầy “không chuyên” ấy là anh Hàng Minh Quang -  nguyên là Giám đốc Điện lực Bắc Buôn Ma Thuột nay đã nghỉ hưu.

Cựu Giám đốc Điện lực Bắc Buôn Ma Thuột - Hàng Minh Quang (ảnh do Công ty Điện lực Đắk Lắk cung cấp)

Anh Hàng Minh Quang thuộc lớp kỹ sư đầu tiên về nhận công tác tại Sở Quản lý phân phối điện Đắk Lắk (sau đó đổi tên thành Sở Điện lực, Điện lực và nay là Công ty Điện lực – trong bài viết này gọi chung là Sở Điện).

Ngày đó, những năm đầu mới giải phóng, Sở Điện mới thành lập, thiếu thốn mọi bề,  từ cơ sở vật chất cho đến các điều kiện sinh hoạt tối thiểu và đặc biệt là nguồn nhân lực.

Đội ngũ công nhân chủ yếu vừa tốt nghiệp phổ thông trung học, có cả những người chỉ mới học hết lớp 6, lớp 7 mà không qua bất kỳ một trường lớp nghề nào. Sở Điện phải tự đào tạo công nhân của mình với đội ngũ giảng dạy là những kỹ sư, cán bộ kỹ thuật của đơn vị. Anh Quang cũng trở thành Thầy giáo từ đó.

Đứng trên bục giảng nhưng không được đào tạo về kỹ năng sư phạm, giáo án giáo trình cũng chẳng có bao nhiêu, để hoàn thành nhiệm vụ, anh chủ yếu dựa trên kiến thức chuyên môn được trang bị ở Trường và tìm tòi từ thực tế để viết thành giáo án.

Vừa đi làm, vừa giảng dạy, vượt qua những khó khăn, thiếu thốn, dưới sự dẫn dắt truyền đạt của anh và các đồng nghiệp, nhiều khóa học sinh tự đào tạo của Sở Điện đã lần lượt "ra lò" đáp ứng nhiều công việc cơ bản như: Vận hành Diesel; Sửa chữa Diesel; Quản lý vận hành đường dây và Trạm; Thí nghiệm điện; Lắp đặt công tơ và Vận hành Nhà máy Thủy điện Đrây H’Linh.

Những năm đó, anh Quang vừa làm Thầy quản nhiệm kiêm luôn giáo vụ. Biết được năng lực của học sinh, anh đã chủ động đề xuất với Giám đốc kéo dài thêm thời gian đào tạo cho lớp thợ để các thầy có điều kiện giảng bài chậm hơn, kỹ hơn cho học trò dễ tiếp thu.

Không chỉ đào tạo chuyên môn, anh Quang còn là người trực tiếp biên soạn nhiều quy định, quy trình phục vụ sản xuất và vận hành tại Sở Điện. Tất cả những bản viết tay đó đều phải lăn lộn để quan sát từ thực tiễn sản xuất mới có được chứ không có nhiều tài liệu để tham khảo như bây giờ.

Tại Sở Điện hồi đó chưa thực hiện Phiếu công tác, Phiếu thao tác (PCT - PTT), các thao tác đóng cắt đều thực hiện theo cảm tính. Để đảm bảo an toàn trong sản xuất và đáp ứng yêu cầu vận hành lưới điện ngày càng phát triển, Giám đốc Sở điện đã giao nhiệm vụ cho anh là người trực tiếp biên soạn và đào tạo về chế độ PCT - PTT tại Sở Điện.

Có thể nói đa số những người công tác tại Sở Điện hiện nay và cả những người đã nghỉ hưu khi còn làm việc có liên quan đến chế độ PCT-PTT đều đã được nhiều lần nghe anh hướng dẫn tỉ mỉ, chi tiết về quy trình này.

Đắk Lắk lúc này cũng là một trong những đơn vị đầu tiên của Công ty Điện lực 3 thực hiện chế độ PCT-PTT nên được nhiều đơn vị trong Công ty đến học hỏi kinh nghiệm. Có được điều này, ngoài việc là người làm công tác nhiều năm ở Phòng Điều độ, phải nói đến sự dày công nghiên cứu các quy trình quy phạm ở anh.

Không chỉ hiểu tâm lý của học trò khi đứng trên bục giảng, trong công việc hằng ngày, anh Quang cũng là người thầy tận tình, gần gũi với các nhân viên cấp dưới và có tấm lòng bao dung, nhân hậu với đồng nghiệp. Do đặc thù của công việc điều độ, một số người mới tiếp xúc với anh Quang nhận xét anh là “người nguyên tắc”. Thực tế, anh là người luôn gương mẫu thực hiện công việc với tinh thần trách nhiệm cao, luôn thể hiện sự tỉ mỉ, chu đáo trong từng công việc.

Hơn 35 năm công tác trong ngành Điện, những đóng góp của anh Hàng Minh Quang đối với Sở Điện được ghi nhận và đánh giá cao, đặc biệt là trong sự nghiệp “trồng người” cho Đơn vị. Dưới sự hướng dẫn của thế hệ tiền bối, chúng tôi đã trưởng thành như thế.


  • 19/11/2015 10:50
  • Minh Phúc
  • 1370


Gửi nhận xét