Một ngày đầu tháng 7, trở về Quảng Trị, tôi thấy mình như đi chênh vênh trên chiếc thắt lưng của bản đồ Tổ quốc hình chữ S. Dù Quảng Trị đã trải hơn 40 năm - lằn ranh một cuộc chiến ác liệt kéo dài 81 ngày đêm, ngàn năm sau cũng không thể xóa nhòa ký ức về chiến tranh. Sông Thạch Hãn nước đã trong, đôi bờ Hiền Lương, Cầu Hiền Lương đã trở thành một bảo tàng thiên nhiên nối bờ Bến Hải, không gian rất thanh bình. Đã đến lúc cái nắng sớm mai chạm trên mặt sông cũng rát bỏng. Gió phơn Tây Nam thổi từng đợt nối đuôi nhau không ngừng trên dòng Thạch Hãn.
Có một điểm chung của những người lính Truyền tải mà chúng tôi được tiếp xúc là họ đi rừng rất giỏi. Giữa điệp trùng núi, vách đá dựng đứng cao hàng trăm mét, những con đường mòn len lỏi giữa ngút ngàn rừng già luôn có dấu chân của họ. Dẫu ngày hay đêm, mưa rét hay nắng cháy, bước chân trên tuyến lặng thầm của những người lính Truyền tải vẫn miệt mài băng rừng, lội suối, bảo vệ cho từng vị trí cột điện và giữ cho đường dây huyết mạch luôn thông suốt.
Đứng trên tuyến đường dây 500kV được nghe kể về những kỷ niệm từ mỗi lần đi kiểm tra tuyến của người lính Truyền tải điện Quảng Trị. Nhấp ngụm nước lọc, Đội trưởng đội Truyền tải điện Vĩnh Linh Trần Vĩnh Tú mở đầu câu chuyện bằng một câu: “Giữ cho dòng điện thông suốt Bắc-Nam là nhiệm vụ của lính truyền tải, vinh quang nhưng cũng rất đỗi nhọc nhằn...”.
Quảng Trị nằm ở phía Nam của vùng Bắc Trung Bộ, trọn vẹn trong khu vực nhiệt đới ẩm gió mùa, là vùng chuyển tiếp giữa hai miền khí hậu. Miền khí hậu phía Bắc có mùa đông lạnh và phía Nam nóng ẩm quanh năm. Ở vùng này, khí hậu khắc nghiệt, chịu hậu quả nặng nề của gió Tây Nam khô nóng, bão, mưa lớn, khí hậu biến động mạnh, thời tiết diễn biến thất thường. Gió phơn Tây Nam khô nóng, gọi là "gió Lào", thường xuất hiện vào tháng 3 và 9, gay gắt nhất là tháng 4-5 đến tháng 8. Hàng năm, có 40 đến 60 ngày khô nóng. Mùa hè, khi gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh gây ra thời tiết khô nóng tới hơn 40°C, độ ẩm chỉ còn 50 ÷ 60.
Những ngày đầu tháng 7, thời tiết Quảng Trị rất khô, độ ẩm xuống 30%, và nóng, nhiệt độ có khi ngày lên tới 43 độ C, bầu trời không một gợn mây, trời nắng chói chang, gió lại thổi đều đều như quạt lửa, cây cỏ héo khô, ao hồ cạn kiệt, rất dễ sinh hoả hoạn.
Đường dây 220kV, 500kV đi qua địa bàn tỉnh Quảng Trị có chiều dài hơn 210 km kéo dài trên toàn tỉnh dọc theo hướng Bắc – Nam, đi qua địa phận 22 xã bao gồm các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, TX Quảng Trị, TP Đông Hà, Huyện Triệu Phong, Hải Lăng.
Trưởng phòng Kỹ thuật Truyền tải điện Quảng trị Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đơn vị đã triển khai thực hiện công việc chặt cây phát tuyến thường xuyên trên toàn tuyến đường dây 220kV, 500kV cung đoạn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, tuy nhiên, do lực lượng của đơn vị mỏng chỉ giải quyết được phần nào. Trong khi đó khối lượng cần xử lý triệt để trên toàn tuyến là rất lớn. Đặc biệt tại một số khoảng cột đường dây 220kV, 500kV trong hành lang vẫn tồn tại cây rừng mọc cao từ 2-3 mét (cây sim, mua.....) nằm tại các thung lũng sâu, các cây rừng tại các mỏm đồi, khe đồi, sườn dốc, các vách tường đất có nguy cơ dễ xảy ra cháy rừng và cháy lan từ bên ngoài vào đường dây có nguy cơ mất an toàn vận hành đường dây.
Lớp thực bì bao phủ mặt đất, đồi trọc trải dài dọc tuyến đường dây. Việc dọn thực bì không đúng quy cách khi đốt sẽ làm lan lửa ra các khu rừng xung quanh gây cháy. Cháy rừng còn đau hơn. Một tiều phu vào rừng bật diêm hút thuốc rồi thờ ơ ném que diêm sang vệ đường. Lá khô bén lửa, cháy. Thế là, như triết lý một thời: “Tia lửa nhỏ đốt cháy đồng cỏ rộng”.
Hành lang hai bên tuyến đường dây 220kV, 500kV chủ yếu là những cánh rừng cây tràm, bạch đàn, rừng cây thông, rừng cây cao su do người dân, chủ hộ rừng và các nông, lâm trường trồng và quản lý. Mặc dù đã được trồng ngoài hành lang lưới điện, nhưng đây là các loại cây công nghiệp phát triển chiều cao rất nhanh và tán tỏa rộng, lượng thực bì dưới mặt đất được tạo ra bởi lá của cây tràm, cây thông, cây cao su với khối lượng lớn, nguy cơ cháy là rất dễ xảy ra bởi tác động nhiều yếu tố khách quan.
Anh em công nhân Truyền tải điện Quảng Trị thường xuyên theo dõi khả năng phát triển và đã phối hợp với các chủ rừng, các lâm trường để triển khai công tác đền bù, chặt tỉa và ký các bản cam kết về công tác phòng chống cháy rừng ảnh hưởng đến quá trình vận hành đường dây 220kV, 500kV.