Anh thương binh mê làm thơ

Ở Công ty Điện lực Quảng Nam, nhiều người gọi Nguyễn Đức Cầm, người thương binh, cựu chiến binh, công tác tại Phòng Kiểm tra giám sát mua bán điện là nhà thơ. Thơ của Nguyễn Đức Cầm là sự trải nghiệm cuộc sống của chính anh. Người ta tìm thấy trong đó tình yêu quê hương, đất nước, về người công nhân điện và nhất là để nhớ về một thời oanh liệt mà bản thân tác giả cũng là người trực tiếp cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Anh Nguyễn Đức Cầm (thứ 3 từ phải sang), nhận Bằng khen của UBND tỉnh về công tác an ninh, quốc phòng

Tháng 10/1978, khi chiến trường K. còn sục sôi khói lửa chiến tranh, Nguyễn Đức Cầm đang còn quá trẻ, chưa học hết THPT nhưng anh cùng bạn bè yêu nước đã từ giã mái trường thân yêu, cầm súng lên đường bảo vệ Tổ quốc. Khi tiễn người học trò cũ lên đường cầm súng chiến đấu, cô giáo dạy văn Trần Thị Hải Yến đã giúi vào tay anh một tập thơ của nhà thơ Thu Bồn, nhắn nhủ: “Nhớ làm thơ nhé!”

Tháng 1/1979, anh trở thành lính trinh sát của Sư đoàn 307, Quân khu 5, đã cùng đồng đội đi khắp các chiến trường K. và cuối cùng dừng chân làm nhiệm vụ tại Prêt Vi-hia, khu Đông Bắc Campuchia. Trận đánh đầu tiên anh tham gia diễn ra tại làng An-lung-viên, và sau đó là nhiều trận đánh mà anh không nhớ hết.

Một lần, vào tháng 10/1981, trong một chuyến trinh sát để chuẩn bị cho trận đánh Đồi Tròn (An Lung), anh bị thương. Trận đánh này, 3 đồng đội thân thiết của anh đã hy sinh. Trong suốt chặng đường hành quân của đời lính, rất nhiều đồng đội cùng nhập ngũ với anh một ngày, cùng chiến đấu với anh trên chiến trường K. đã mãi mãi nằm lại trên đất bạn, và cũng có rất nhiều người trở về hậu phương với thân thể không lành lặn. Anh tâm sự: “Mình tuy bị thương nhưng còn hạnh phúc hơn rất nhiều đồng đội khác”.

Trong những bài thơ của anh, có lẽ cảm xúc nhất vẫn là thời kỳ làm lính, nhớ về quê hương, viết về tình cảm đồng đội, về cảnh vật và con người Campuchia. Trên chiến trường K. dù phải đối diện với bom đạn ác liệt, nhưng khi im tiếng súng anh lại chìm đắm trong những vần thơ. Tiêu biểu là những bài: “547-điểm cao ven biên”, “3 năm một lời thơ, một màu áo” hoặc “Trên chiến hào tôi gọi đồng hương”.

Những câu thơ với nỗi nhớ da diết, làm mát rượi lòng người: "Chiều hôm nay tôi ngồi ôm nòng súng/ Trên đỉnh cao biên giới lạnh mờ sương/ Nhớ quê hương, nhớ da diết mái trường/ Nhớ bạn bè một thời chung sách vở…Trong bài “Chiều Phum Ziềng”, anh tự sự: "Bảng lảng hoàng hôn ngả ven đồi/ Người lính trầm tư ngó xa xôi/" Ziềng ơi! có biết lòng tôi hỡi/ Dành trọn cho em một khoảng đời! Chiều lại trôi đường Giêng bước nhẹ/ Trâu từng đàn lũ lượt về phum/ Em đứng nhìn tôi như xa lạ/ Đôi mắt người già ngó mông lung…

Tháng 10/1982, anh xuất ngũ về làm việc tại Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam). Nhiều năm liền làm tham mưu công tác an ninh, quốc phòng tại Công ty, hơn 15 năm làm Phó Ban chỉ huy quân sự Công ty và được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Công đoàn các phòng Tổ chức-Nhân sự, Văn phòng, Kiểm tra giám sát mua bán điện. Tại đây, hơn 33 năm qua, Nguyễn Đức Cầm có điều kiện đi cơ sở tiếp xúc với công nhân và các chiến sỹ lực lượng tự vệ của Công ty, ngày đêm lăn lộn canh giữ sự an toàn của lưới điện và chắt chiu từng chữ điện phục vụ đồng bào, nên anh đã viết được những áng thơ hay.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó giám đốc phụ trách kiêm Trưởng Ban chỉ huy quân sự Công ty Điện lực Quảng Nam nói về Nguyễn Đức Cầm:

Là bộ đội phục viên, lại là thương binh, anh Nguyễn Đức Cầm luôn giữ đúng tác phong anh bộ đội Cụ Hồ. Những năm qua anh luôn gương mẫu, đi đầu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; với tính cần mẫn, chịu khó, anh đã tham mưu làm tốt các chỉ tiêu quân sự, quốc phòng, góp phần để công tác này đạt thành tích cao, bản thân anh nhiều năm liền được UBND tỉnh và Bộ CHQS tỉnh khen thưởng.

Trong quá trình công tác, Nguyễn Đức Cầm tham gia khá tích cực vào phong trào sáng tác thơ văn của Công ty và Tổng công ty Điện lực miền Trung, và là hội viên Câu lạc bộ Thơ điện Việt Nam. Anh đã “trình làng” nhiều bài thơ hay, trong đó một số bài đạt giải các cuộc thi sáng tác thơ văn của ngành Điện.

Trong suốt 33 năm công tác trong ngành Điện, Nguyễn Đức Cầm đã sáng tác nhiều bài thơ về chủ đề ngành Điện. Có đêm, cảm xúc trước những người thợ vận hành, mặt mũi lấm lem dầu máy, quyết canh giữ dòng điện phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, Nguyễn Đức Cầm thốt lên: "Một màu áo, bao cuộc đời hòa quyện/ Đơn giản thôi mà son sắt vô vàn/ Sớm khuya chiều dòng điện tỏa thênh thang/ Để cuộc sống ươm thêm mầm xanh mới…" (Bài Tặng anh người thợ vận hành - giải B cuộc thi thơ Tổng công ty Điện lực miền Trung).

Trong bài thơ “Thợ điện vùng cao”, Nguyễn Đức Cầm chỉ viết vỏn vẹn 33 câu thôi mà cũng có thể làm cho người đọc hình dung được nổi nhọc nhằn, nét phong trần của anh thợ điện công tác tại huyện Trà My: "Thợ điện vùng cao, vất vả, chân tình/ Có nét phong trần hiên ngang của núi…" Và người thợ giữ nguồn sáng để: "Cho đôi mắt Già làng rực sáng niềm tin/ Cho đàn trẻ đến trường rộn rã/ Cô thôn nữ với cõi lòng rộng mở/ Trót thương thầm anh thợ điện xa quê…" Bài thơ “Lục bát Xuân” chỉ với 4 câu thôi, nhưng Nguyễn Đức Cầm trải lòng với nhiều trạng thái tình cảm: "Thương đời thợ điện long đong/Chiều xuân buốt lạnh nhọc lòng vào ca/ Để đưa dòng điện vươn xa/ Câu sáu, câu tám mượt mà lời yêu."

Đề tài Nguyễn Đức Cầm khai thác để sáng tác khá phong phú, tính logic giữa các sự kiện được anh chọn lựa khá chặt chẽ. Khi đưa các chiến sỹ tự vệ đi tập “lăn lê bò toài” và bắn thử súng máy, anh viết bài “Từ thao trường Phú Ninh”, “Gửi em chút nắng thao trường”.

Những lúc đêm về, ngồi trầm tư trên căn gác nhỏ, anh chợt “Nhớ đồng đội”; hoặc nhìn dòng người đi dưới phố, dưới ánh điện sáng trưng, anh rung cảm lời như một điệu nhạc, không buồn không vui “Tam Kỳ- Một thoáng phố đêm”. Ngay cả trong những chuyến đi tham quan, anh cũng cảm xúc về tình bạn, tình đồng đội, tình đồng nghiệp, xa mặt nhưng không cách lòng, như với bài “Nhớ về nơi xa ấy” (viết về những người làm điện Quảng Trị), “Hạ Long và em” (về cô công nhân Điện lực Quảng Ninh), “Nơi ấy có ngã ba sông” (cảm xúc về những người công nhân điện Lào Cai)…

Trong 5 tập thơ hay của CBCNV PC Quảng Nam in trong mười tám năm qua và hơn bốn chục Bản tin Công đoàn Điện lực Quảng Nam đã phát hành, hoặc lần tìm trong các tập thơ Hoa điện của Câu lạc bộ thơ điện Việt Nam, ở đâu cũng thấy được những vần thơ của Nguyễn Đức Cầm tươi tắn, hồn nhiên mà anh đã viết về quê hương, đồng đội, đồng nghiệp và những người lao động chân chất, thật thà.

Là thương binh nghèo, nhưng tâm hồn anh giàu lên với những vần thơ!


  • 27/07/2015 03:00
  • Tăng Phan Lương
  • 1282


Gửi nhận xét