Lên cao nguyên nghe tâm sự lính truyền tải

“Lên cao nguyên đi anh, chiều như mơ như thực, hương cà phê thơm ngát, khói lam chiều mênh mang…”. Nghe theo lời bài hát đầy sức cuốn hút của nhạc sĩ Quang Dũng, tôi đã đến Chư Sê, gặp những người lính truyền tải điện và càng hiểu rõ hơn tình yêu của họ dành cho cao nguyên đầy nắng, gió này.

“Nắng gió Tây Nguyên đã thấm vào máu rồi!”

Vào một buổi chiều mùa khô năm 2015, từ thành phố Pleiku – Gia Lai, xuôi theo hướng Nam đi Đắk Lắk chừng 40 km, tôi đến Đội Truyền tải điện Chư Sê (thuộc Truyền tải điện Gia Lai). Vừa xuống xe, tôi được thưởng thức ngay cái nắng, cái gió bỏng rát đặc trưng của miền đất đỏ này. Nhưng khi được trò chuyện cùng “lính truyền tải” Chư Sê – những con người với nét đặc trưng không pha lẫn là gương mặt đen sạm vì nắng gió, song nụ cười luôn thường trực trên môi, thì sự mệt mỏi của tôi dường như tan biến.

Anh Nguyễn Huy Hoàng - công nhân Đội Truyền tải điện Chư Sê cho biết, anh đã có gần 10 năm gắn bó với nghề. Anh Hoàng quê gốc Hà Tĩnh, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung (Quảng Nam), cuối năm 2006 anh về đầu quân cho Đội truyền tải điện Chư Sê. Cùng với các anh em trong Đội, công việc của Nguyễn Huy Hoàng là tham gia quản lý vận hành đường dây truyền tải điện từ dốc Hàm Rồng (thuộc xã Chư H’Drông, TP Pleiku) về giáp huyện Chư Bư (Gia Lai). Địa bàn quản lý rộng cộng thêm thời tiết khắc nghiệt của Tây Nguyên, mùa mưa, nước như đổ từ trên trời xuống, mùa khô nắng gắt đến bỏng rát chân tay, đã tôi luyện Hoàng trở lên mạnh mẽ, săn chắc như người Tây Nguyên thực thụ, sẵn sàng vượt đèo, lội suối, băng rừng.

Anh tâm sự: Thời gian đầu, khi mới “chân ướt chân ráo” lên cao nguyên Chư Sê đất rộng, người thưa này, bản thân không tránh khỏi nỗi buồn. Tuy nhiên, công việc bận rộn đã cuốn anh theo lúc nào không hay. Ngoài công việc định kỳ là đi kiểm tra, phát quang hành lang tuyến, bảo đảm cho đường dây truyền tải điện trên địa bàn quản lý được vận hành thông suốt, anh Hoàng cùng với các anh em trong Đội còn phải tích cực tham gia tuyên truyền bảo vệ hành lang an toàn lưới điện.

Như “gãi đúng chỗ ngứa”, Nguyễn Huy Hoàng chỉ kịp dừng lại vài giây, nhấp tạm chén nước rồi tiếp tục hào hứng. Anh cho hay, tuyên truyền bảo vệ hành lang an toàn lưới điện trên địa bàn Chư Sê đòi hỏi người lính truyền tải sự kiên trì, nhẫn nại, phải làm từ từ, từng khâu, từng điểm. Thậm chí phải thông qua già làng, trưởng bản, in và phát tờ rơi tuyên truyền bằng tiếng dân tộc. Định kỳ hàng tháng đi kiểm tra tuyến vào ban đêm là việc bình thường của người lính truyền tải điện Chư Sê. Vào những dịp lễ, Tết, khi anh em chuẩn bị về quê, thậm chí có người vợ ở quê đang mang bầu, sắp đến ngày sinh, nhưng nếu xảy ra sự cố, anh em vẫn sẵn sàng ở lại làm nhiệm vụ.

Lên cao nguyên Chư Sê lập nghiệp rồi xây dựng gia đình, mọi người vẫn thường đùa vui rằng yêu việc hơn yêu vợ, nhưng Nguyễn Huy Hoàng chỉ cười: “Nắng gió Tây Nguyên đã thấm vào máu rồi”. Gần chục năm gắn bó với nghề truyền tải, dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng chưa bao giờ anh Nguyễn Huy Hoàng chùn bước, hay có ý định bỏ cuộc.

Nắng gió Tây Nguyên không ngăn nổi bước chân của những người lính truyền tải điện Gia Lai. Ảnh: PT

“Có gian nan mới có điều kiện thử sức mình”

Tính đến tháng 6/2015, Ngô Hoàng Quy (sinh năm 1989) mới “nhập hộ khẩu” về Đội truyền tải điện Chư Sê được khoảng 10 tháng. Nhìn chàng trai hiền lành, ít ai nghĩ rằng em có thể sớm bắt nhịp với công việc. Ngô Hoàng Quy tâm sự: “Thời gian đầu công việc thực sự rất vất vả đối với một lính mới như em. Trải qua quá trình huấn luyện, tuy chưa đủ dài, nhưng hiện nay em đã bắt đầu thích ứng dần với công việc”.

Thách thức lớn nhất là vào tháng 3/2015, Quy cùng các anh em trong Đội tiến hành kéo dây, căng lại độ võng đường dây 220 kV Pleiku - Krông Buk. Cung đoạn này nằm trên địa hình đồi dốc, thuộc địa bàn xã Ia Glai huyện Chư Sê, có chiều dài 141 km đã mang điện vận hành gần 20 năm. Do tác động của các yếu tố về cơ, nhiệt, trọng lượng dây dẫn, thời tiết nắng nóng, thời gian dài mang tải cao… làm cho dây dẫn bị dãn ra và võng xuống, không đảm bảo khoảng cách an toàn pha đất theo thiết kế, từ đó, không đảm bảo độ tin cậy trong vận hành. Khu vực đường dây đi qua lại có  các nương rẫy canh tác của người dân địa phương. Hơn nữa, các vị trí cột đều nằm cách xa đường quốc lộ nên công tác vận chuyển thiết bị, vật tư thi công rất khó khăn.

Là một lính mới, được tham gia vào công trình này cũng là dịp thử thách Ngô Hoàng Quy. Tây Nguyên, trời nắng như đổ lửa, để đáp ứng yêu cầu gấp gáp về tiến độ của công trình, Quy và các đồng nghiệp phải hết sức cố gắng hoàn thành công việc được giao. Kết quả, việc thi công kéo dây, căng lại độ võng đường dây 220 kV Pleiku – Krông Buk đã hoàn thành vượt tiến độ đề ra.

Quy chia sẻ: "Đối với Đội Truyền tải điện Chư Sê, đây là công việc rất bình thường, nhưng đối với em, đó là thành công đầu tiên trong sự nghiệp. Tuy có vất vả, gian nan, nhưng em tin rằng, mình sẽ phù hợp với công việc này”. Là một người con của cao nguyên Chư Sê, Ngô Hoàng Quy đặt mục tiêu sẽ tiếp tục học hỏi để nâng cao trình độ, sớm trở thành một người lính truyền tải thực thụ, góp phần bảo vệ an toàn lưới điện trên địa bàn.

Không chỉ có anh Nguyễn Huy Hoàng hay Ngô Hoàng Quy, đến Đội Truyền tải điện Chư Sê tôi còn được nghe những câu chuyện rất thú vị của anh Nguyễn Tài hay anh Bùi Cao Văn… Mỗi người một tâm sự, song có một điểm chung duy nhất đó là tình yêu nghề, yêu cao nguyên đầy nắng gió Chư Sê. Đội trưởng Nguyễn Tài chia sẻ: “Trong tổng số 27 cán bộ, công nhân mới chỉ có ½ đã ổn định gia đình, còn lại hầu hết đều là anh em thanh niên từ Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Quảng Nam... vào đây lập nghiệp. Bên cạnh đó, địa bàn quản lý của Đội rất phức tạp, vừa đi qua khu vực đông dân cư (TP Pleiku, thị trấn Chư Sê), vừa đi qua nhiều khu vực trồng cao su, cà phê, hồ tiêu. Song, lửa thử vàng, gian nan thử sức, những khó khăn, vất vả đó chưa bao giờ ngăn nổi bước chân của những người lính truyền tải điện Chư Sê”.
 


  • 24/07/2015 09:00
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 1477


Gửi nhận xét